Phát triển đảng ở chi bộ khu dân cư: Kinh nghiệm từ Phú Xuyên

Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 23/09/2013

(HNM) - Chương trình 01-CT/TU của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2010-2015, mỗi năm kết nạp thêm ít nhất 10.000 đảng viên.

Nhiều chi bộ ở các quận Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ mà chúng tôi có dịp làm việc đã quá quen với hình ảnh tại các cuộc sinh hoạt chi bộ đảng viên hầu hết đã 60-70 tuổi. Nhiều chi bộ 5-7 năm nay chưa kết nạp được thêm đảng viên mới. Lý do được đưa ra thường là "chưa có nguồn". Có những đảng bộ phường như Khương Mai (quận Thanh Xuân) một năm chỉ phấn đấu kết nạp được 1 đảng viên từ khu dân cư mà vẫn khó. Tình trạng này khiến không ít đảng bộ không hoàn thành được chỉ tiêu phát triển Đảng hằng năm. Đơn cử như Đảng bộ huyện Ứng Hòa, 2 năm qua đều không hoàn thành chỉ tiêu. Năm 2011, kết nạp được 180 đảng viên, đạt 81,8%; năm 2012 kết nạp được 188 đảng viên, đạt 85,5%.

Làm tốt công tác phát triển Đảng ở nông thôn sẽ là nền tảng thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế bền vững cho từng địa phương. Ảnh: Đức Nghiêm


Khó khăn về nguồn đảng viên là tình trạng không chỉ ở một, hai quận, huyện, nhưng có những nơi đã tìm ra giải pháp khắc phục. Một trong số đó là Đảng bộ huyện Phú Xuyên. Bắt đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Phú Xuyên cũng rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn phát triển Đảng như các địa phương khác. Mặc dù trước đó, tháng 12-2008, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03 "về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng nông thôn huyện Phú Xuyên đến năm 2010 và những năm tiếp theo". Nghị quyết này đề ra 10 giải pháp, trong đó có giải pháp chuẩn bị nguồn phát triển Đảng, giao chỉ tiêu cho mỗi chi bộ hằng năm kết nạp 1-2 đảng viên mới. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp khó khăn kéo dài đến giữa năm 2011. Tình hình đó buộc Huyện ủy Phú Xuyên tổ chức 3 đoàn kiểm tra xuống cơ sở làm việc cụ thể với các đảng bộ xã, thị trấn, các chi bộ khó khăn, vướng mắc để đôn đốc, giúp đỡ giải quyết.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Hùng Vỹ cho biết: "Khi đó chi bộ nào cũng kêu thiếu nguồn. Chúng tôi làm việc với các chi bộ và chỉ ra rằng muốn có nguồn phát triển Đảng phải gây dựng. Lựa chọn người rồi đào tạo, dìu dắt mà thành nguồn kết nạp đảng, chứ không thể ngồi đợi "nguồn" xuất hiện". Sau khi có sự đốc thúc, gợi mở, tháo gỡ vướng mắc, các chi bộ đã vào cuộc quyết liệt. Các chi bộ tập trung xây dựng nguồn chủ yếu từ các đoàn viên thanh niên nông thôn. Trên cơ sở phát hiện nguồn, các chi bộ phân công đảng viên kèm cặp, giúp đỡ từ sớm. Các đoàn viên nằm trong diện nguồn phát triển Đảng được chi bộ tạo điều kiện để hoạt động Đoàn, phát huy khả năng. Ngoài ra, các chi bộ còn chú trọng phát triển Đảng tới chủ trang trại, nông dân sản xuất, chăn nuôi giỏi. Sau khi xác định nguồn, các chi bộ phải huy động tổng lực để vận động, thuyết phục và bồi dưỡng đối tượng… Nhờ vậy, năm 2012, lần đầu tiên sau nhiều năm, Phú Xuyên hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng đạt 100%. Nhưng kết quả năm 2013 mới thật sự ấn tượng, đến nay, huyện đã gần như hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lại Văn Thâu quả quyết, trong năm nay sẽ kết nạp được 245 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu đề ra. Đáng kể là số đảng viên trực tiếp sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 50%. Số đảng viên mới được kết nạp từ đầu nhiệm kỳ đến nay của huyện đã nâng lên 872 người. Trong đó tỷ lệ nữ chiếm 53%, đảng viên là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh chiếm 67%; đảng viên trực tiếp sản xuất nông nghiệp chiếm 42%. "Đảng viên mới của chúng tôi đều có trình độ từ tốt nghiệp THPT trở lên" - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lại Văn Thâu khẳng định. Những lớp cảm tình đảng của huyện từ đầu năm tới nay được mở ra thường có tỷ lệ quần chúng nguồn phát triển Đảng ở nông thôn cao tới 60%. Đây là tin vui cho công tác xây dựng Đảng, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Kết quả phát triển Đảng ở Phú Xuyên cho thấy, luôn có khó khăn về nguồn phát triển Đảng ở các chi bộ cơ sở nhưng nếu chủ động xây dựng nguồn, khó khăn có thể được giải quyết.

Quốc Bình