Lại chuyện "comment"
Văn hóa - Ngày đăng : 07:10, 22/09/2013
Chuyện là Huyền Chíp, một cô gái trẻ nổi tiếng nhanh chóng với hành trình đi tới hàng chục quốc gia bằng những nỗ lực cá nhân và qua kết nối bạn bè trên mạng. Không tài trợ, không sẵn tiền giắt túi! Cô gái trẻ này bị bạn đọc, cộng đồng mạng đặt nghi vấn về việc xin visa, kinh phí, tìm việc…
Điều đáng nói ở đây không phải là bên nào đúng bên nào sai, mà là ở cách chúng ta "comment" về nhau, ở cách tiếp cận sự thật, để thấu hiểu lẫn nhau. Một lần nữa, phải khẳng định lại là chuyện phản hồi đối với một cuốn sách, thậm chí là những nghi vấn đặt ra đối với tác phẩm là một biểu hiện "được sống" của tác phẩm. Nó còn cho thấy quyền của độc giả khi không phải cứ cho gì xem nấy, nói gì nghe nấy, nhất là trong một thế giới cởi mở, hội nhập như hiện nay.
Tuy nhiên, đáng tiếc là quyền ấy đang được thực thi không được lành mạnh lắm. Rõ ràng đây chả phải là cuốn sách đầu tiên vấp phải sự phản hồi của bạn đọc. Nhưng, cũng lại rất rõ ràng là không khí tranh luận vẫn nhuốm màu sắc cũ: Ít phản hồi, bình luận có tính chất xây dựng, có chứng cứ cụ thể mà phần nhiều là những lời lẽ khá nặng nề, quy chụp. Bởi thế cho nên "áp suất" cuộc tranh luận cứ tăng lên mà cơ hội hiểu nhau thì mất hút. Nhìn rộng ra một số cuộc trao đổi, bình luận trong đời sống văn học nghệ thuật gần đây thì thấy rõ điều đó.
Lại nhớ đến trao đổi của GS-TS Nguyễn Lân Dũng và TS Nguyễn Hoàng Ánh tại buổi ra mắt sách của Huyền Chíp. Đó là "comment" bênh vực tác giả? Với người viết, đó có thể chỉ là một ý. Thông điệp (có thể không hề cố ý) mà họ gửi tới còn là cách ứng xử có văn hóa.
Chúng ta tin nhau cũng có nghĩa là chúng ta đặt trọng trách lên vai nhau. Với người trẻ, lòng tin có khi mang ý nghĩa sám hối hơn là một lời vạch tội.
Làm được điều đó trong đời sống đương đại không phải là chuyện dễ dàng!