“Hổ celtic” đã tỉnh giấc?

Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 22/09/2013

(HNM) - Ba năm trước, hễ nhắc tới Ireland, ngay lập tức người ta liên tưởng tới đây là quốc gia thuộc nhóm các thành viên chìm trong nợ nần và khủng hoảng (PIIGS) của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Thị trường nhà đất Ireland đã có dấu hiệu ổn định.



Những yếu kém về kinh tế đã buộc quốc đảo phải xin cứu trợ từ Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với số tiền 85 tỷ euro vào cuối năm 2010. Con nợ mang tên Ireland từng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tan rã của Eurozone cũng như tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, Dublin đã lấy lại vị thế trong sự ngỡ ngàng của không ít nhà đầu tư. Và, đã có không ít lời khen ngợi những nỗ lực của Ireland, thậm chí quốc đảo đang được xem là "câu chuyện thành công của Châu Âu".

Số liệu chính thức công bố ngày 19-9 cho thấy, Ireland đã thoát khỏi suy thoái trong quý II vừa qua với mức tăng trưởng 0,4%. Nhờ tăng trưởng vững chắc trong lĩnh vực xây dựng và xuất khẩu. Kể từ sau mức cao đỉnh điểm hồi năm 2011, chi phí vay mượn của Chính phủ Ireland đã giảm đáng kể, "mở đường" cho Dublin hoàn tất thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro vào cuối năm nay. Điều này sẽ đánh dấu việc Ireland trở thành quốc gia đầu tiên thoát khỏi chương trình cứu trợ và sẽ là điển hình đầu tiên về thành công của EU trong cuộc "phá vây" nợ công.

Trên thực tế, giữa năm 2011, Ireland đã bắt đầu tăng trưởng trở lại ở mức 1,6%, nhưng làn sóng suy thoái lần 2 ở Cựu lục địa đã một lần nữa đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước hơn 4,5 triệu dân này về dưới vạch số 0. Bằng một loạt các biện pháp khẩn cấp và hợp lý của Chính phủ, kết hợp với gói cứu trợ, Dublin đã lại "vượt bão" suy thoái thành công.

Có thể nói, những gì Ireland làm được cho tới thời điểm này phần lớn là nhờ những đúc kết giá trị từ nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng mà các nhà phân tích đã dẫn ra 4 điểm chính. Thứ nhất, tăng trưởng trong giai đoạn trước năm 2008 của Ireland là không bền vững, điển hình là việc năng suất lao động bất ngờ sụt giảm thê thảm sau năm 2002. Thứ hai, sự mở rộng quá nhanh hoạt động tín dụng của Ireland đã tạo bong bóng tài sản, đẩy danh mục đầu tư quốc gia vượt quá quy mô của nền kinh tế. Thứ ba, sự suy giảm đột ngột của giá tài sản thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài sản Ireland. Cuối cùng, niềm tin các nhà đầu tư suy giảm đã đẩy Ireland vào cuộc khủng hoảng ngoại tệ trầm trọng.

Từ những đúc rút này, các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế Ireland đã đưa ra lộ trình "vượt bão" gồm 3 yếu tố chính. Đầu tiên là giải pháp trong lĩnh vực tài chính giúp lĩnh vực ngân hàng của Ireland tinh giản gọn hơn và được cấp vốn tốt hơn. Thứ hai là chiến lược củng cố tài chính, trong đó gói cứu trợ tập trung hướng nền tài chính công của Ireland theo con đường bền vững trong trung hạn. Cuối cùng là nghiêm túc thực hiện cải cách chương trình nghị sự nhằm khôi phục năng lực cạnh tranh và củng cố sức mạnh tăng trưởng cho nền kinh tế.

Với những quyết sách quyết đoán từ Chính phủ, kinh tế Ireland đã dần phục hồi với các yếu tố tích cực như đà tăng vững chắc trong lĩnh vực xây dựng, xuất khẩu, thị trường bất động sản đã chạm đáy, môi trường đầu tư đang được cải thiện đáng kể... Cho đến nay, Ireland là một trong những quốc gia hiếm hoi ở Eurozone có thặng dư tài khoản vãng lai tương đối lớn. Mặc dù nhu cầu nội địa vẫn khá yếu, song một loạt chỉ số như doanh số bán lẻ, chỉ số quản lý thu mua (PMI) dịch vụ và sản xuất lại tăng trưởng vô cùng khả quan. Bên cạnh đó, thị trường nhà đất - một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng - của Ireland đã bắt đầu có dấu hiệu ổn định. Ngoài ra, điều quan trọng và cũng đáng mừng nhất với Ireland chính là niềm tin và cảm tình của các nhà đầu tư đã quay trở lại.

Ireland vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi thực sự thoát khỏi khủng hoảng, chẳng hạn như thâm hụt ngân sách thuộc hàng cao nhất Eurozone, nợ công chưa giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao so với mặt bằng chung. Mặc dù vậy, bằng cách kiên định thực hiện những chương trình đã đề ra, sẽ không khó để Ireland làm được điều thần kỳ như họ đã từng đạt trong thập niên 1990 khi duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong suốt 10 năm ròng để được mệnh danh là "Con hổ Celtic".

Quỳnh Chi