Vũ khí hóa học tại Syria

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:00, 21/09/2013

(HNM) - Syria sẽ chính thức gia nhập Công ước cấm vũ khí hóa học vào ngày 14-10 tới. Thế nhưng, việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 17-9 lên tiếng xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng trong vụ tấn công ngày 21-8 đã dấy lên câu hỏi lớn về số lượng vũ khí nguy hiểm được cho là hiện đang tồn tại ở Syria.

Theo một số nguồn tin phương Tây, Syria có khoảng 1.000 tấn khí độc, bao gồm sarin, khí mù tạt, lưu huỳnh và VX, được lưu trữ tại 45 địa điểm, hoàn toàn thuộc quyền quản lý của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar Al-Assad. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, số địa điểm nhỏ hơn nhiều và không phải tất cả đều do quân chính phủ kiểm soát. Mặc dù vậy việc vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này đã và đang gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế và cho thấy sự cấp thiết phải giải giáp loại vũ khí sát thương hàng loạt này.

Vào tháng 7-2012, chính quyền Damascus đã lên tiếng xác nhận việc sở hữu vũ khí hóa học, nhưng chưa bao giờ công bố chi tiết các kho vũ khí hủy diệt hàng loạt và bị cấm này. Theo nhiều tài liệu của Mỹ, trước khi cuộc nội chiến diễn ra, vào năm 2011, Syria đã có những cơ sở nghiên cứu và sản xuất vũ khí hóa học gần Damascus, Aleppo, Homs, Latakia và Hama. Trung tâm James Martin ở Mỹ - cơ quan thống kê kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của thế giới - cho biết, hằng năm những nơi này có thể sản xuất hàng trăm tấn chất độc và chúng có thể được sử dụng thông qua nhiều loại vũ khí, như bom được thả từ máy bay, tên lửa Scud, đạn pháo hoặc rocket.

Về cơ bản, vũ khí hóa học là phương pháp bào chế, sử dụng các chất độc hóa học nhằm sát thương trong giao tranh hoặc hủy hoại môi sinh, động vật và cây cỏ. Nguyên tắc hoạt động sát thương dựa trên các tác động sinh lý đối với cơ thể con người của một số chất độc. Nó có hai cách phân loại: Theo đối tượng tác chiến và loại chất độc. Nếu theo đối tượng tác chiến, vũ khí hóa học được chia làm hai loại: Vũ khí hóa học tiêu diệt sinh lực và vũ khí hóa học diệt cây. Theo loại chất độc, vũ khí hóa học được chia làm 4 loại: Vũ khí hóa học gây ngạt (như phosgene, chlorine..), vũ khí hóa học gây tổn thương thần kinh (như tabun, sarin, VX), vũ khí hóa học gây loét da (như nitrogen mustard, lewisite), vũ khí hóa học diệt cây cỏ.

Mức độ nguy hiểm của loại vũ khí này ở chỗ chúng có thể được phát tán thành dạng giọt nhỏ, sương mù hoặc tương tự như cơ chế hoạt động của những quả bom nhưng thay vì chứa chất nổ, nó chứa đầy thuốc cực độc. Trong các loại vũ khí hóa học thì vũ khí gây tổn thương thần kinh là loại được quan tâm nhiều nhất. Đây cũng chính là loại vũ khí mà cộng đồng quốc tế khẳng định đã được sử dụng tại Syria trong cuộc giao tranh hồi tháng trước. Để có được kết quả này, các thanh sát viên LHQ đã phỏng vấn hơn 50 người dân và các nhân viên y tế. Ở những nơi vũ khí hóa học bị nghi là đã được sử dụng, các nhà điều tra phát hiện 85% mẫu máu dương tính với khí độc thần kinh sarin. Họ cũng đã phỏng vấn 36 người có triệu chứng ngộ độc, hầu hết đều dương tính với sarin. Thông qua các xét nghiệm về sinh học và môi trường cũng như các cuộc phỏng vấn, các thanh sát viên đã đưa ra kết luận rằng nhiều tên lửa đất đối đất đã rải chất độc thần kinh sarin xuống khu vực ngoại ô Ghouta của Damascus. Mỹ tin rằng chính quyền của Tổng thống B.Al-Assad đã sử dụng kho vũ khí hóa học của mình để gây sát thương. Tuy nhiên, Tổng thống B.Al-Assad đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng chính quân đội của ông đã bị trúng khí độc từ phe nổi dậy.

Do đó, việc Nga - Mỹ đạt được thỏa thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học tại Syria cũng như quyết tâm của chính quyền Damascus gia nhập Công ước cấm vũ khí hóa học đã làm giảm bớt mối lo ngại của cộng đồng quốc tế. Theo tài liệu khung mà Mátxcơva và Washington đạt được, Syria phải giao đầy đủ danh sách kho vũ khí hóa học trong vòng một tuần, nêu rõ số lượng, loại hình vũ khí để nhanh chóng đặt dưới quyền kiểm soát quốc tế, cho phép thanh sát viên LHQ tiếp cận không giới hạn các địa điểm có vũ khí trong tháng 11 tới.

Trung Hiếu