Tập trận Mỹ - Philippines: Khẳng định sứ mệnh liên minh quân sự

Thế giới - Ngày đăng : 05:50, 21/09/2013

(HNM) - Ngày 30-6 vừa qua, Philippines và Mỹ vừa khai màn cuộc tập trận trên Biển Đông.



Diễn ra trong 3 tuần (từ ngày 18-9 đến 11-10) cuộc tập trận thường niên không chỉ khẳng định liên minh quân sự Washington - Manila luôn được củng cố, mà còn cho thấy Biển Đông luôn là mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực có lợi ích liên quan.

Mỹ và Philippines đang tập trận chung thường niên mang tên “Phiblex 14” trên Biển Đông.


Theo Hải quân Philippines, cuộc tập trận mang Phiblex14 nhằm thao luyện tác chiến đổ bộ biển diễn ra trên diện rộng tại 4 tỉnh của nước này gồm: Zambales, Tarlac, Cavite, Pampanga và doanh trại khu vực thủ đô Manila. Tham gia tập trận có khoảng 2.300 binh sĩ thủy quân lục chiến, hải, lục, không quân Philippines; đơn vị viễn chinh 13, lữ đoàn viễn chinh 3 của thủy quân lục chiến Mỹ. Cùng với bắn đạn thật, hai bên còn diễn tập khoa mục lập kế hoạch tác chiến nhằm tăng cường năng lực thực hiện các chiến dịch bảo vệ lãnh thổ và an ninh hàng hải song phương; diễn tập dã chiến và chương trình nhân đạo.

Phiblex14 diễn ra trong bối cảnh Manila và Washington đang đẩy mạnh đàm phán - dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận trong năm nay - về tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines cũng như việc triển khai vũ khí trang bị của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này. Dù thỏa thuận chưa được ký kết, nhưng trên thực tế Philippines từng là nơi đồn trú của hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic ở phía bắc Manila. Tuy nhiên, quân nhân Mỹ đã buộc phải rời đi vào năm 1992 khi Thượng viện Philippines lúc đó bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng cho thuê trước làn sóng "bài" Mỹ tăng cao trong dư luận nước này. Năm 1999, hai bên đã ký thỏa thuận mới cho phép binh sĩ Mỹ trở lại Philippines để tham gia các cuộc tập trận chung. Bên cạnh đó, lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng luân phiên tới miền Nam Philippines từ năm 2002, giúp binh sĩ địa phương đối phó với các tổ chức khủng bố hồi giáo.

Điểm đáng chú ý, Phiblex14 diễn ra vào thời điểm Manila đang tích cực chuẩn bị cho chuyến công du Philippines đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 11 và 12-10 tới. Sự kiện này được Manila trông đợi với hy vọng chuyến thăm sẽ "đem lại động lực mới" cho mối quan hệ Mỹ - Philippines - đồng minh truyền thống; đồng thời là thuộc địa cũ của Mỹ tại Châu Á. Philippines là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du bốn nước Đông Nam Á của Tổng thống B.Obama bắt đầu từ ngày 6-10 bao gồm: Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines. Dù không đề cập trực tiếp nhưng Phiblex14 hay chuyến công du của Tổng thống B.Obama sắp tới được nhìn nhận như một nỗ lực lớn của Philippines trong chiến lược đẩy mạnh hợp tác không chỉ quân sự mà còn nhiều lĩnh vực khác với Mỹ. Đây cũng là trọng tâm ưu tiên trong chiến lược ngoại giao của Tổng thống Benigno Aquino kể từ khi nhậm chức cuối tháng 6 vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một trong những điểm nhấn của cuộc tập trận là thao luyện tác chiến và chỉ huy tại căn cứ hải quân Zambales ở phía Tây đảo Luzon, cách bãi cạn Scarborough khoảng 220km - khu vực đang gây nhiều tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines khi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi là đảo Hoàng Nham. Philippines khẳng định, cuộc diễn tập chỉ nhằm nâng cao năng lực tác chiến hiệp đồng và sẵn sàng chiến đấu giữa quân đội hai nước, để ứng phó với thiên tai và tình huống khẩn cấp khu vực; nhưng, báo chí Trung Quốc lại cho Phiblex 14 là động thái làm xáo trộn tình hình Biển Đông cũng như việc Mỹ lợi dụng tình hình để gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực Châu Á địa - chiến lược này.

Mỹ từng nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp trên Biển Đông, tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, việc Philippines đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ sẽ có lợi cho cả đôi bên. Và, qua quốc gia đồng minh Philippines, Mỹ có thể đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch xoay trục sang Châu Á, trong đó có khu vực ASEAN. Ngược lại, với sự hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực quốc phòng, Philippines sẽ có tiếng nói "thuyết phục" hơn trong các tranh chấp đang có chiều hướng gia tăng trên Biển Đông.

Đình Hiệp