Xử lý theo kiểu... “phù phép”?!
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:37, 21/09/2013
Công ty Sơn SENPEC của ông Nguyễn Văn Tám vẫn sử dụng nhà kho trên diện tích xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. |
Xử lý sai phạm nhỏ, né sai phạm lớn?
Ngày 18-1-2013, Báo Hànộimới đăng bài "Quản lý đất đai tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức: Vi phạm tràn lan, không ai xử lý" phản ánh tình trạng: Chỉ trong khoảng hơn một năm (từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012), trên địa bàn xã Song Phương đã để xảy ra nhiều vụ xây dựng trái phép, vi phạm Luật Đất đai với mức độ nghiêm trọng. Trong đó, không ít nhà xưởng với diện tích hàng trăm mét vuông dù không phép vẫn "mọc lên" trước sự làm ngơ của chính quyền sở tại. Đáng quan tâm, theo phản ánh của nhiều người dân xã Song Phương, mấy năm trước đã có nhiều trường hợp cá nhân xây nhà, xưởng trái phép bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ, nhưng đến thời điểm này lại ngang nhiên xây dựng to hơn, kiên cố hơn, khiến dư luận nghi ngờ có sự "bật đèn xanh" của chính quyền xã.
Sau khi Báo Hànộimới đăng, ngày 25-1-2013, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu UBND huyện Hoài Đức kiểm tra, xử lý vi phạm và báo cáo UBND thành phố trong tháng 3-2013. Trên thực tế, mặc dù từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012, trên địa bàn xã có gần 50 trường hợp xây dựng trái phép, vi phạm Luật Đất đai (trong đó có cả đảng viên, cán bộ địa chính xã) nhưng trong báo cáo gửi UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Song Phương chỉ lập danh sách 29 trường hợp vi phạm. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do chính quyền xã không nắm được số trường hợp vi phạm thực tế hay cố tình báo cáo sai nhằm che đậy sự khuất tất của mình?
Cuối tháng 4-2013, trước tình thế "không thể đừng", UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo lực lượng chức năng của huyện phối hợp với chính quyền xã Song Phương tiến hành cưỡng chế 19 công trình vi phạm (2 nhà xưởng, 3 nhà cấp 4, 10 lều lán, 4 chuồng trại chăn nuôi và tường bao). Việc tiến hành cưỡng chế dù muộn nhưng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân địa phương. Song, qua đợt cưỡng chế, dư luận vẫn băn khoăn vì sao nhiều trường hợp vi phạm cùng thời điểm năm 2011-2012 với mức độ nghiêm trọng hơn, trong đó có cả đảng viên, cán bộ địa chính xã lại không bị chính quyền tổ chức cưỡng chế? Trong bài báo đăng ngày 18-1-2013, Báo Hànộimới đã đề cập đến một số trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp điển hình tại xã Song Phương, xin nêu lại để thấy sự băn khoăn của người dân địa phương là có cơ sở, đó là: "Hộ ông Nguyễn Chí Hợp ở khu Tây Biên (làng Phương Viên) đổ nền bê tông, xã đã ra quyết định xử phạt nhưng công trình nhà kèo thép mái tôn vẫn ngang nhiên mọc lên; một số trường hợp khác như nhà ông Trọng, ông Thành ở khu Cây Đa (Phương Bản)... cũng ngang nghiên xây dựng nhà xưởng trước sự "bất lực" của chính quyền địa phương; đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp vi phạm của hộ ông Nguyễn Hữu Hay cán bộ địa chính xã Song Phương. "Năm 2002, với tư cách là Chủ nhiệm HTX Phương Viên, ông Hay đã quyết định bán 18 suất đất tại khu Dộc Thượng, trong đó gia đình ông được "mua" một suất. Ông Hay đã xây dựng nhà kiên cố ngay trên đất công tại khu Dộc Thượng. Dù là cán bộ địa chính nhưng ông Hay vẫn xây dựng trái phép ngay cả khi UBND huyện Hoài Đức đã ra văn bản yêu cầu dừng tất cả các trường hợp xây dựng tại khu Dộc Thượng". Chính vì thế mà dư luận đặt ra câu hỏi, bao giờ sẽ tổ chức cưỡng chế đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng này? Phải chăng đợt cưỡng chế vừa qua chỉ nhằm "đối phó" với cấp trên, chờ dư luận tạm lắng rồi những vi phạm lại "chìm xuồng"?
Nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (thời điểm từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012) tại thôn 7, xã Song Phương vẫn chưa bị xử lý cưỡng chế. |
Tiếp tục buông lỏng quản lý
Như đã đề cập, những năm trước, nhiều trường hợp cá nhân trên địa bàn xã Song Phương xây nhà xưởng trái phép, vi phạm Luật Đất đai đã bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ. Nhưng không hiểu vì sao từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012, không ít trường hợp trong số này lại ngang nhiên xây dựng to hơn, kiên cố hơn?
Trong 19 trường hợp bị cưỡng chế vào tháng 4 vừa qua, theo báo cáo của Công an huyện Hoài Đức, đến thời điểm này đã có 8 trường hợp tái vi phạm hoặc cố tình không chịu chấp hành tự tháo dỡ phần công trình còn lại như đã cam kết. Trong đó, điển hình là trường hợp hộ ông Đỗ Văn Chính (ở thôn 4). Trước khi bị cưỡng chế, hộ này đã có hành vi xây dựng lều lán, nhà cấp 4 trái phép trên đất nông nghiệp thuộc khu Chùa Dệch (diện tích vi phạm 153,8m2). Trong đợt cưỡng chế ngày 24-4-2013, tổ cưỡng chế đã tháo dỡ hết phần lán vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu; nhà cấp 4 rộng khoảng 20m2, gia đình đã tự tháo phần mái và xin tự tháo hết phần còn lại. Tuy nhiên, hiện nay hộ này đã dựng lại lều lán như cũ, lợp lại mái nhà cấp 4 bằng tôn và xây mới một gian nhà (rộng khoảng 10m2) và tiếp tục sinh sống trên phần diện tích vi phạm.
Một trường hợp khác, hộ ông Nguyễn Văn Tám xây dựng trái phép nhà xưởng (Công ty Sơn SENPEC) trên đất nông nghiệp thuộc khu Bãi Nổi - Trại Ba Lương, diện tích vi phạm 312m2. Đợt cưỡng chế hồi tháng 4 vừa qua, tổ cưỡng chế đã tháo dỡ 2/3 diện tích vi phạm, số còn lại gồm tường bao và 1 nhà kho xây tường gạch, lợp mái tôn khoảng 50m2 gia đình xin tự tháo dỡ. Nhưng đến nay, gia đình không tháo dỡ mà vẫn tiếp tục sử dụng làm nhà kho. Hộ ông Nguyễn Bá Vĩnh (ở thôn 1) xây dựng nhà cấp 4 trái phép trên đất nông nghiệp thuộc khu Ngỏ Lả, diện tích vi phạm 57m2. Đợt cưỡng chế vừa qua, tổ công tác đã tháo dỡ một phần tường, mái vi phạm, phần còn lại gia đình cũng xin tự tháo dỡ, song đến nay hộ này đã xây dựng lại bức tường bị phá, lợp lại mái nhà cấp 4 và tiếp tục có người sinh sống tại đây...
Trả lời ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội tại Hoài Đức tháng 6 vừa qua, ông Khuất Văn Thành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức cho rằng: Để xảy ra tình trạng vi phạm, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, không phép tại các địa phương, trách nhiệm trước tiên phải thuộc chính quyền cơ sở. Bởi, vai trò của trưởng thôn là phát hiện và báo cáo UBND xã trường hợp vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Chính quyền cấp xã khi nhận được báo cáo hoặc biết được vụ việc vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời để vượt quá thẩm quyền thì chính quyền cấp xã phải chịu trách nhiệm.
Dư luận đặt nhiều câu hỏi: Thực trạng xây dựng trái phép, vi phạm Luật Đất đai nghiêm trọng trên địa bàn xã Song Phương thời gian qua, nhất là sau khi cưỡng chế lại để tái vi phạm, trách nhiệm thuộc về ai và xử lý trách nhiệm như thế nào? Không lẽ, chính quyền địa phương cứ buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm tràn lan mà không ai phải chịu trách nhiệm hoặc có quy trách nhiệm song lại theo kiểu "giơ cao đánh khẽ", "đóng cửa bảo nhau"? Ở đây, cần phải làm rõ do năng lực quản lý của chính quyền địa phương, hay có động cơ gì khác đằng sau nên để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan như đã nêu? Dư luận đang chờ câu trả lời từ phía UBND huyện Hoài Đức.