TP Hồ Chí Minh: Giải pháp nào để giảm nghèo bền vững ?
Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 20/09/2013
Nhờ chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ dân huyện Củ Chi đã từng bước thoát nghèo. |
Hỗ trợ học nghề và nâng cao trình độ học vấn
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 38.690 hộ nghèo (chiếm 2,1% tổng số hộ dân trên địa bàn). Thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều quận đưa ra những giải pháp phù hợp với đặc điểm địa bàn dân cư như quận 5 và quận 6 là hai quận điển hình đưa người dân thoát nghèo bền vững. Cụ thể, chỉ tính đầu năm 2013, những quận khu trung tâm như quận 1 mới có 1/10 phường vượt nghèo, quận 3 có 12/14 phường, thì ở quận 6 (xa trung tâm) đã có 14/14 phường không còn hộ nghèo dưới 12 triệu đồng/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND quận 6 Ngô Thành Luông, biện pháp mà quận áp dụng là hỗ trợ "cần câu" thay vì tặng "con cá", nghĩa là tập trung hỗ trợ học nghề và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho các hộ nghèo để họ có thể tự tạo việc làm. Trung bình mỗi năm, quận đã giúp hơn 1.000 hộ dân nâng thu nhập, thoát nghèo và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 3 (trước 2 năm so với kế hoạch) khi không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. Quận 5 là địa phương thứ hai của TP Hồ Chí Minh hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, tăng hộ khá bằng giải pháp khảo sát, phân loại, nắm chắc mức sống, điều kiện sống, lao động việc làm của hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực như hỗ trợ vốn tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Xê, các hộ nghèo đều hạn chế về trình độ, tay nghề và thậm chí, một số thành viên trong gia đình ý thức kỷ luật kém… Bởi vậy, bên cạnh giới thiệu họ tới các doanh nghiệp làm việc, TP Hồ Chí Minh còn tăng cường giải pháp về cho vay vốn, tự tạo việc làm. Từ nhiều nguồn lực cho vay vốn ưu đãi và quỹ tín dụng… các hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Năm 2013, TP Hồ Chí Minh giảm 122.000 hộ nghèo so với năm 2009. Cuối năm 2013, thành phố nỗ lực kéo giảm còn dưới 1% số hộ nghèo và kết thúc sớm chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 trước 2 năm so với kế hoạch trên toàn thành phố.
"Giảm nghèo đa chiều"
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận, tính đến hết năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo với thu nhập 10 triệu đồng/năm/người đã đạt 4,2% trên tổng số hộ toàn thành phố. Chương trình giảm nghèo giai đoạn 3 (2013-2015) của TP Hồ Chí Minh nâng mức thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/ năm và xác định chuẩn cận nghèo là 12-16 triệu đồng/người/năm với mục tiêu mỗi năm đạt từ 1,5-1,8%, cuối năm 2015 đạt tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% với tổng hộ dân.
Để chương trình giảm nghèo giai đoạn 3 được sớm về đích và hướng đến giảm nghèo bền vững, tại hội thảo mới đây về "Giảm nghèo đa chiều", cơ quan chức năng cho biết phương án "Giảm nghèo đa chiều" chính là một "bài thuốc" đặc trị hữu hiệu. Bởi những người nghèo không chỉ thu nhập bình quân thấp mà còn thiếu hụt ít nhất một trong những nhu cầu xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản tại nơi ở, lương thực thực phẩm... Với góc tiếp cận đa chiều như vậy, giải pháp cho vấn đề này đòi hỏi cần phải có sự nhất quán cao và bổ sung lẫn nhau giữa các biện pháp can thiệp chính sách, ở các lĩnh vực như tạo việc làm và bảo trợ xã hội, nhà ở và dạy nghề, các dịch vụ giáo dục và y tế... Điều này cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp mạnh mẽ hơn và những nỗ lực hài hòa giữa các cơ quan, ban ngành và các bên liên quan.
Xác định điều đó, giải pháp đang được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngành và các địa phương thực hiện, rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo một cách khách quan, chính xác để có biện pháp hỗ trợ thích hợp. Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ tiếp cho những hộ mới thoát nghèo trong vòng một năm nhằm giúp các hộ ổn định cuộc sống, nhất là trong tìm việc làm, sản xuất, kinh doanh nhỏ. TP Hồ Chí Minh còn hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ 15% chi phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo; miễn giảm 100% học phí và tiền cơ sở vật chất cho những học sinh, sinh viên của hộ nghèo có thu nhập dưới 10 triệu đồng/ người/năm. Về chính sách hỗ trợ nhà ở, TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành thực hiện đồng bộ, nhất là chính sách về nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp thông qua xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin hiệu quả; điều chỉnh thời hạn cho vay vốn và hạn mức vay phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý nhằm giúp các hộ nghèo và cận nghèo có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở… Theo Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mai, giải pháp lâu dài vẫn là tuyên truyền cho lao động nghèo thấy rõ vai trò quan trọng của học nghề và đào tạo nghề. Chỉ có học nghề, tìm việc làm để có mức lương phù hợp, ổn định thì mới thoát nghèo vĩnh viễn.