Du lịch Việt Nam: Mất khách vì “chuyện cỏn con”
Du lịch - Ngày đăng : 06:30, 20/09/2013
Báo cáo cho thấy Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức có thể là những thị trường cung cấp khách hàng đầu cho du lịch nước ta trong tương lai. Cơ hội mở ra, đòi hỏi ngành du lịch có chiến lược hướng về đối tượng khách hàng tiềm năng này, trong đó có việc bổ sung nguồn hướng dẫn viên (HDV) biết những ngoại ngữ "hiếm".
Bổ sung nguồn hướng dẫn viên du lịch có chất lượng sẽ góp phần phát triển cho ngành du lịch Việt Nam. |
Vừa thiếu, vừa yếu
Ngoài tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp, các ngôn ngữ khác mà HDV sử dụng được xếp vào loại ngoại ngữ "hiếm", nói chính xác là không thông dụng trong lĩnh vực du lịch. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cả nước hiện có hơn 6.700 HDV du lịch quốc tế, trong đó có 3.699 HDV tiếng Anh, 995 HDV tiếng Pháp, 961 người biết tiếng Trung. HDV sử dụng tiếng Nhật hiện có 431 người, tiếng Đức là 375 người, tiếng Nga có 345 người, tiếng Tây Ban Nha có 147 người...
Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, tình trạng thiếu HDV thông thạo ngoại ngữ "hiếm" đã được nêu ra nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Vào mùa cao điểm đón khách nước ngoài hay các dịp lễ, tết, khi Việt Nam tổ chức các sự kiện lớn, nhiều doanh nghiệp lữ hành có tiếng thường xuyên gặp khó khăn, thất thu vì không có đủ HDV phù hợp để đón khách từ các quốc gia sử dụng ngôn ngữ "hiếm".
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành có uy tín trên thị trường (xin được giấu tên) cho biết, đơn vị này cố gắng khai thác những nguồn khách có khả năng chi tiêu cao khi tới Việt Nam, nhưng đáng buồn là đã không ít lần phải từ chối mối khách từ Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… chỉ vì lý do không đáng có, đó là thiếu HDV biết những thứ tiếng trên. Mỏi mắt trông chờ các giải pháp, cuối cùng doanh nghiệp tự nghĩ ra phương án tìm kiếm những người giỏi ngoại ngữ "hiếm", sau đó tự tổ chức đào tạo kiến thức du lịch, kỹ năng HDV cho họ nhằm mau chóng lấp lỗ hổng, chống thất thu. Nhưng nỗ lực đó là chưa đủ.
Đó chỉ là ví dụ đơn lẻ về tình trạng "tự xoay xở" của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng HDV gồm người đã từng lao động tại các nước như Hàn Quốc, Đức… và đó là cách làm không thể nói là chuyên nghiệp. Người có thời gian lao động tại nước ngoài có vốn ngoại ngữ, khả năng giao tiếp tốt nhưng không có nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn nhiều bất cập. Do đó, chất lượng nguồn HDV này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách, đặc biệt là đối với khách đến từ các thị trường khó tính.
Theo nhiều chuyên gia, ngành du lịch nước ta gần như đang để trống mảng HDV và đội ngũ này đang ở trong tình cảnh xộc xệch, người có trình độ hướng dẫn thì yếu về ngoại ngữ, nhiều người giỏi ngoại ngữ thì lại không đủ về trình độ chuyên môn. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thị trường khách của Việt Nam rất đa dạng. Ngoài nguồn khách đến từ thị trường gần và thị trường truyền thống Châu Âu, ta còn quan tâm tới các thị trường mới nổi như Ấn Độ, các nước thuộc khối Ả Rập… Càng về sau này, đội ngũ HDV biết ngoại ngữ "hiếm" càng cần bổ sung, không thể để mặc doanh nghiệp tự xoay xở với việc đó.
"Xé rào" - Hệ lụy khó lường
Bước vào thời kỳ cao điểm đón khách du lịch nước ngoài, việc thiếu HDV các thứ tiếng ít thông dụng khiến nhiều đơn vị lữ hành lúng túng. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải "xé rào", tức dùng người chưa qua đào tạo chuyên ngành du lịch, không có bằng đại học, không có thẻ hành nghề. Thậm chí, một số đơn vị còn mạo hiểm sử dụng cả HDV "chui" người nước ngoài.
Trước thực tế trên, những người tâm huyết với ngành du lịch tỏ rõ sự lo lắng. Lý do đơn giản là HDV như linh hồn, như đại sứ cho hình ảnh du lịch quốc gia chứ không đơn thuần là người giới thiệu điểm đến. Nếu để người nước ngoài làm HDV thì có thể gây ra hậu quả khôn lường. Do không hiểu văn hóa, lịch sử, nhiều HDV người nước ngoài đã cung cấp kiến thức sai, đưa khách đến những nơi nằm ngoài tour để kiếm hoa hồng, bóp méo sự thật về văn hóa, lịch sử, phong tục với mục đích làm du khách hài lòng… Trao đổi với Hànộimới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, HDV người nước ngoài chắc chắn không thể hiểu về đất nước và con người Việt Nam tốt như HDV Việt Nam. Mặt khác, theo quy định của Luật Du lịch, người được cấp thẻ HDV quốc tế phải hội đủ nhiều điều kiện, trong đó buộc phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp quy định, nhiều người nước ngoài đã và đang làm HDV "chui". Thời gian qua, thanh tra ngành du lịch đã liên tiếp xử lý nhiều vụ vi phạm trong hoạt động HDV ở Việt Nam, trong đó nhiều trường hợp đã bị trục xuất khỏi nước ta. Tuy thế, theo đánh giá chung, việc xử lý của cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn. "Đứng trước tình hình khách du lịch đến Việt Nam ngày một nhiều, chúng ta không thể tự hài lòng với những thứ tiếng thông dụng như Anh, Pháp nữa, vấn đề nóng bỏng hiện nay là làm sao cân đối quan hệ cung - cầu HDV, sớm có chiến lược phát triển đội ngũ HDV sử dụng các thứ tiếng "hiếm". Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.