Làng nghề Phú Xuyên: Trụ vững trong khủng hoảng

Xã hội - Ngày đăng : 06:23, 20/09/2013

(HNM) - Thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung gặp không ít khó khăn, nhiều nơi không tìm được được đầu ra cho sản phẩm.

Cách đây 2, 3 năm, các doanh nghiệp (DN) mây tre đan ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, luôn ở trong tình trạng tồn đọng sản phẩm do các thị trường truyền thống (Nga, Đông Âu) sụt giảm sức mua 50-60%, một số đơn vị đã buộc phải ngừng sản xuất. Tuy nhiên, về Phú Túc bây giờ lại dễ dàng gặp cảnh mây, giang, cỏ tế… phơi đầy đường. Chủ tịch UBND xã Phú Túc Bùi Hồng Luyến cho biết, xã có hơn 2.000 hộ dân, trong đó hơn 90% đều làm mây, tre đan. Thủ công nghiệp chiếm 71% cơ cấu kinh tế địa phương. Cả 8 thôn của xã đều được công nhận là làng nghề. Để trụ vững trong khủng hoảng, các DN đã nỗ lực vượt khó, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Năm 2013, các DN, tổ hợp sản xuất trên địa bàn xã có được nhiều đơn hàng xuất khẩu trực tiếp đi các nước Nhật, Hàn… bảo đảm đủ việc cho lao động nông nhàn của xã.

Sản xuất sản phẩm mỹ nghệ tại làng nghề truyền thống sơn mài Bối Khê, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Trung


Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Trần Hữu Thước, toàn huyện có 124/138 làng, chiếm 89% số làng có nghề, trong đó có 39 làng được công nhận là làng nghề theo tiêu chí thành phố, đã giải quyết được 33% lao động chính ở nông thôn. Đặc biệt, trước đây, các xã phía Đông nam huyện như Tri Thủy, Quang Lãng… chủ yếu là xã thuần nông, người dân không có nghề phụ thì nay đã có nghề để nâng cao mức sống cho nhân dân.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng khảo sát thực tế tại các làng nghề cho thấy: Quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ lẻ theo kiểu gia đình, mẫu hàng còn đơn điệu… Đặc biệt, nhiều làng nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên luôn bị động trong sản xuất, kinh doanh và bị ép giá. Tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý, mặt bằng chật hẹp kìm hãm sự phát triển của làng nghề… Đây là điều khiến cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Phú Xuyên trăn trở tìm cách tạo sức bật mới. Để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Huyện ủy Phú Xuyên đã xây dựng chương trình 09 về phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011-2015, kèm theo đó là giải pháp và cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển làng nghề. Công tác đào tạo nghề được đặc biệt coi trọng, năm 2012 toàn huyện đã mở được 70 lớp dạy nghề cho 2.450 người với tổng kinh phí đạt gần 4 tỷ đồng. Năm 2013, huyện dành gần 5 tỷ đồng mở 100 lớp dạy nghề cho nhân dân.

Không chỉ quan tâm đẩy mạnh công tác dạy nghề, huyện Phú Xuyên còn là một trong những địa phương đi đầu trong việc vinh danh làng nghề, nhằm động viên, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động sáng tạo, cải tiến mẫu mã, từng bước tháo gỡ khó khăn cho nghề truyền thống. Từ năm 2011, UBND huyện Phú Xuyên đã quyết định lấy ngày 26-10 hằng năm là ngày "Vinh danh các làng nghề truyền thống" trong huyện và tổ chức thành công Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ nhất. Năm 2012, xã Chuyên Mỹ là xã nghề đầu tiên của huyện tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề khảm trai, sơn mài truyền thống lần thứ nhất đã thu hút khá đông người làm nghề của Chuyên Mỹ và các xã lân cận tham dự. Anh Đỗ Thành Đô - chủ cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ Thành Đô ở làng nghề Chuôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, vui vẻ cho biết: Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ nhất năm 2011 đến nay đã mang đến những cơ hội kinh doanh tốt. Sản phẩm của làng nghề Chuôn Thượng và cơ sở Thành Đô có điều kiện vươn xa hơn. Chính điều đó đã giúp cho cơ sở sản xuất của anh đứng vững và phát triển trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

Hiện huyện Phú Xuyên đang tập trung quy hoạch các cụm làng nghề tại các xã Chuyên Mỹ, Vân Từ, Phú Túc, Đại Thắng, Tân Dân, đồng thời quy hoạch tuyến du lịch làng nghề về các làng giày da Phú Yên, may mặc Vân Từ, khảm trai Chuyên Mỹ. Thành công lớn nhất của huyện Phú Xuyên trong những năm qua là khẳng định được vị thế của làng nghề, là nơi có số lượng làng nghề được công nhận đứng thứ 3 trong tổng số 20 quận, huyện có làng nghề được công nhận.

Sơn Tùng