Mơ một con đường giữa Bãi Chim…
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:20, 20/09/2013
Kể từ năm 1982, Bãi Chim được hình thành, cũng bởi cơ duyên "đất lành chim đậu" mà 85 hộ, gần 350 khẩu, đã chọn làm nơi cư ngụ. Vậy nhưng, ngót ba chục năm nay, sự nghèo và cái khó, cái khổ vẫn đeo bám Bãi Chim - một nơi chỉ cách trung tâm Thủ đô chưa đầy năm chục cây số.
Tuyến đường chính của xóm Bãi Chim nay vẫn là đường đất lầy lội. |
"Đất lành chim đậu"
Cụm dân cư Bãi Chim được hình thành muộn nhất so với 5 thôn của xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Trước đó, từ những năm 1945, do phù sa bồi lưu lớn mà giữa dòng sông nổi lên một cồn cát. Từng năm một, cồn cát cứ lớn dần, cỏ mọc um tùm, chim chóc bay về trú ngụ. Người dân gọi đó là Bãi Chim. Thấy nơi đất phì nhiêu, rộng rãi, người dân ở vùng Hưng Yên, Hà Đông và dân thuyền chài từ nhiều phương tìm đến khai khẩn đất hoang, tạo lập cuộc sống. Cũng trong thời gian đó, một bộ phận dân cư thuộc các thôn Vĩnh Xuân Thượng, Vĩnh Xuân Trung và Vĩnh Xuân Hạ sinh sống ở ngoài đê sông Hồng đã bị nước dâng làm sụt lở đất phải chạy vào trong đê an cư. Trong đồng thì đất chật người đông; ở giữa sông lại có bãi đất bỏ hoang, vậy là Ủy ban Hành chính xã Chí Minh - nay là xã Khai Thái - đã vận động nhân dân sang Bãi Chim lập nghiệp, an cư. Đó là vào năm 1982, hơn bốn chục hộ dân dựng nhà sinh sống và hình thành cụm dân cư Bãi Chim.
Trong ký ức của Bí thư Chi bộ cụm dân cư Bãi Chim Nguyễn Văn Dũng vẫn nguyên vẹn hình ảnh 5 mẹ con anh sang nhận ruộng, nhận vườn trên doi cát giữa sông Hồng để làm ăn, sinh sống. Lúc bấy giờ, cả xóm chỉ có 43 hộ, hầu hết là hộ nghèo, hộ đất chật, đông con cái. Thời gian đầu, không phải hộ nào cũng làm được nhà ở nên hộ nào có nhân lực thì đóng gạch, dựng lò "dã chiến" rồi đốt gạch, làm nhà tạm ở; còn lại thì chỉ dựng tạm căn lều nhỏ, vừa để ở, vừa kết hợp trông nom ruộng vườn. Đến năm 1985 và sau đó là năm 1990 mới có thêm hơn bốn chục hộ nữa sang định canh, định cư, hình thành cụm dân cư Bãi Chim như bây giờ.
Bà Trần Thị Liệu, một trong những hộ đầu tiên sang Bãi Chim, kể: Những năm đầu, cuộc sống của chúng tôi cơ cực lắm. Ban ngày, cả nhà đổ ra đồng gieo trồng, chăm sóc hoa màu. Tối đến, hộ nào dựng được nhà tạm, lều thì ở luôn bên bãi, hộ nào chưa có nhà thì lục tục ra đò ngang chèo về phía làng bên kia sông. Vất vả gieo trồng, được đất phù sa vun đắp, ngô, đậu tốt bời bời. Nhưng những năm đầu tiên "đau" lắm, vì đến ngày nhìn thấy thành quả rồi thì lại bị trộm "khoắng" sạch, rồi cũng có vụ bị Hà bá nuốt chửng. Công sức thành công cốc. Khổ là thế nhưng người dân vẫn bám ruộng, bám vườn, tìm kế sinh nhai, gây dựng cơ nghiệp cho đến ngày hôm nay.
"Lực bất tòng tâm"
"Đất nông nghiệp thì nhiều, nhưng do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên mất mùa xảy ra như cơm bữa. Vùng đất này từ trước đến nay chỉ trồng được rau màu nên thu nhập của người dân không cao. Gần chục năm trở lại đây, các hộ dân mới đưa cây chuối vào trồng xen canh, thu nhập cao gấp 1,5 lần trồng rau màu nên cũng đỡ vất hơn, không còn cảnh đứt bữa như vài năm trước nữa" - Trưởng cụm dân cư Bãi Chim Đào Văn Mạnh kể chuyện làm ăn của người dân Bãi Chim.
Tổng diện tích đất tự nhiên của cụm hiện có 161 mẫu, trong đó có 17 mẫu đất thổ cư, 68 mẫu đất nông nghiệp, còn lại là đất tân bồi. Ngoài trồng hoa màu, chuối…, tận dụng đất rộng, người dân xóm Bãi Chim đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn, bò thịt, gia cầm. Cuộc sống tuy không được cải thiện nhưng cái khó là ở chỗ đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi; hầu hết hộ chỉ tận dụng thức ăn dư thừa để chăn nuôi với quy mô nhỏ. Cái ăn là vậy, còn việc ở cũng không sáng sủa là mấy. Nhìn những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp trong mưa, chúng tôi thực sự chia sẻ với cuộc sống khốn khó của người dân Bãi Chim. Theo nhẩm tính của ông Nguyễn Văn Dũng, cả xóm có 85 hộ, nay mới chỉ có 6 hộ xây được nhà mái bằng kiên cố, vẫn còn trên 20 hộ trong xóm hiện đang sống trong những căn nhà cấp 4, nhà tạm xuống cấp.
Cuộc sống tuy có vất vả nhưng người dân Bãi Chim rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Trước đây, khi chưa có đường bộ để sang xã như bây giờ, việc đi lại vẫn phụ thuộc vào những chuyến đò ngang, nhưng người dân Bãi Chim chưa bao giờ để con cái thất học. Và nay, khi con đường nối liền vùng đồng xã Khai Thái với Bãi Chim thì việc học tập của con em Bãi Chim được quan tâm hơn rất nhiều. Mặc dù cả cụm chỉ có vài chục nóc nhà nhưng năm nào cũng có một, hai cháu đỗ đại học, cao đẳng…
Khát vọng đổi thay từ con đường
Trong câu chuyện với chúng tôi, không chỉ có lãnh đạo cụm dân cư Bãi Chim mà tất cả những người dân khi tiếp xúc đều nói nguyên nhân chính khiến người dân Bãi Chim không "phất" lên được là do nằm biệt lập so với xã. "5 năm trở lại đây, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân còn đỡ, chứ trước đây phương tiện duy nhất để vận chuyển nông sản là những chuyến đò ngang nên bất tiện vô cùng. Nếu hàng hóa khan hiếm, tư thương còn mặn mà sang mua, còn không chuyện ép giá khi được mùa diễn ra thường xuyên khiến cuộc sống của người dân Bãi Chim đã khó càng thêm khổ. Mấy ngày gần đây, trời mưa liên tục, đường sá lầy lội nên tư thương không sang nhập hàng được, chuối chín la liệt không bán được cho ai. Đó là chưa kể, hàng chục mẫu đất tân bồi vừa được người dân xuống giống ngô, đậu xanh nay bị ngập hết, thiệt hại đáng kể" - bà Đào Thị Điệp kể.
Đến thăm cụm dân cư Bãi Chim vào ngày mưa tầm tã trên con đường liên thôn trơn trượt, lầy thụt, lổn nhổn gạch đá, anh Mạnh, anh Dũng và nhiều cán bộ ở Bãi Chim không giấu nổi bức xúc: "Đây là tuyến đường dài 1,2km được hình thành từ năm 1982 - khi những hộ dân đầu tiên đặt chân sang lập nghiệp đấy. Và đây cũng là trục đường chính chạy từ đầu đến cuối cụm. Hơn 30 năm, con đường đất "khổ ải" này chưa một lần được đầu tư xây dựng từ tiền ngân sách, có chăng chỉ là những đợt huy động dân đổ đất, gạch vỡ vá nền mỗi khi đường quá xuống cấp". Đường xấu nên hễ trời mưa dù to hay nhỏ là trơn trượt, úng nước, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản, cụm đã mở thêm một tuyến đường mới dài khoảng 1,2km bao bọc khu dân cư. Tuy nhiên, tuyến đường này cũng chỉ là đường đất và lầy thụt. Chả thế, cả cụm hiện có 85 hộ thì vẫn còn tới 18 hộ thuộc diện nghèo.
Đem chuyện khó khăn của cụm dân cư Bãi Chim bộc bạch với lãnh đạo xã Khai Thái, chúng tôi nhận được ý kiến của Thường trực Đảng ủy Nguyễn Văn Quân, rằng: Bãi Chim là cụm dân cư khó khăn nhất trong số 6 thôn, cụm dân cư của xã. Nhưng xã cũng rất khó khăn…
Chia tay cụm dân cư Bãi Chim, chúng tôi nhớ như in câu nói của Trưởng cụm dân cư Đào Văn Mạnh: "Chúng tôi không dám đòi hỏi gì nhiều hơn ngoài mong con đường khốn khổ này được quan tâm đầu tư, người dân thoát cảnh lầy lội. Cuộc sống của hơn tám chục hộ dân chắc sẽ đỡ khó khăn, cơ cực hơn".