Vượt qua những thách thức toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:18, 20/09/2013
Điểm nhấn sau phiên khai mạc được dư luận thế giới trông đợi là phiên thảo luận cấp cao diễn ra từ ngày 24-9 đến 2-10 với sự góp mặt của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao trên toàn thế giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên thảo luận quan trọng này.
Cuộc nội chiến kéo dài tại Syria khiến nhiều người dân rơi vào cảnh nghèo đói, không nhà cửa |
Khai mạc vào thời điểm "nướt rút" khi hạn chót để các quốc gia "cán đích" 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015 đang cận kề, nghị trình của ĐHĐ LHQ lần này không nằm ngoài mục tiêu đẩy nhanh tốc độ hoàn thành MDGs mà 189 quốc gia thành viên từng phê chuẩn tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2000, đó là xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; bảo đảm bền vững về môi trường… Bên cạnh đó, một loạt thách thức tuy không mới nhưng vẫn là mối quan tâm chung hàng đầu toàn cầu như cuộc chiến chống khủng bố, biến đổi khí hậu, các thách thức an ninh phi truyền thống… cũng được ĐHĐ khóa 68 đặt trọng tâm ưu tiên.
Diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi các thanh sát viên của LHQ khẳng định khí độc sarin đã được sử dụng trong một cuộc tấn công gần thủ đô Damascus hồi tháng trước và cuộc khủng hoảng Syria đã trở thành chủ đề nóng bao trùm phiên khai mạc, thừa nhận đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ĐHĐ trong nỗ lực giải quyết những thách thức đối với thế giới; trong đó không thể không kể đến cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 30 tháng qua tại Syria.
Trong bối cảnh 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) vẫn bất đồng về nghị quyết do Pháp soạn thảo với nội dung yêu cầu phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria sau thỏa thuận Nga - Mỹ vào tuần trước, vai trò của ĐHĐ được thể hiện như thế nào đang là mối quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Tranh cãi về vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc nội chiến tại Syria chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Bởi trên thực tế, thế giới vẫn đang chứng kiến nhiều điểm nóng về an ninh do xung đột, bạo lực sắc tộc, tôn giáo leo thang… rất cần đến tiếng nói của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Nếu cuộc khủng hoảng Syria không được giải quyết nhanh bằng giải pháp hòa bình, thế giới sẽ phải đối mặt với một loạt hệ lụy như làn sóng tị nạn tăng cao, tình trạng nghèo đói, bệnh tật hoành hành... Đây sẽ không chỉ là thách thức lớn với chính quốc gia Trung Đông mà còn với cả những nước láng giềng cũng như thế giới đang trong nỗ lực để đạt được MDGs vào năm 2015.
13 năm trôi qua kể từ khi 189 quốc gia thành viên LHQ phê chuẩn MDGs, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc về xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng, trong số hơn 7 tỷ người sống trên hành tinh, vẫn còn khoảng 1,1 tỷ người sống dưới mức nghèo đói - theo chuẩn quốc tế 1,25 USD một ngày. Song đói nghèo không chỉ "tấn công" các quốc gia "quen thuộc" ở Châu Phi hay các nước đang phát triển… mà đã lan tới cả cường quốc kinh tế số 1 thế giới - do tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ Mỹ phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng". Theo thống kê vừa được cơ quan điều tra dân số Mỹ công bố, cường quốc này có 46,5 triệu người sống ở mức (hoặc dưới) chuẩn nghèo năm 2012 - quy định một gia đình Mỹ 4 người có thu nhập 23.492 USD/năm thuộc diện nghèo. Đây là năm thứ hai liên tiếp tỷ lệ nghèo của nền kinh tế lớn nhất thế giới ở mức 15%.
Chỉ còn hơn hai năm nữa để thế giới hoàn thành MDGs song những thách thức toàn cầu mà các quốc gia phải đối mặt là không nhỏ. Đó cũng là lý do vì sao ĐHĐ khóa 68 lại chọn chủ đề "Chương trình phát triển sau 2015 - Hiện thực hóa" - như một thông điệp kêu gọi sự chung tay của thế giới để giải quyết những thách thức toàn cầu.