Bài 3: Chỉnh sửa “lối đi” để thành “đường”

Đời sống - Ngày đăng : 05:59, 19/09/2013

(HNM) - Với sự đa dạng về đô thị như ở nước ta hiện nay thì không thể áp dụng đại trà mà cần vận dụng linh hoạt theo đặc thù từng đô thị...



Tuy nhiên, với sự đa dạng về đô thị như ở nước ta hiện nay thì không thể áp dụng đại trà mà cần vận dụng linh hoạt theo đặc thù từng đô thị mới có thể đạt được mục tiêu quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho từng đô thị phát triển tiềm năng, lợi thế của mình.

Đô thị đặc biệt phải có mô hình quản lý… đặc biệt

TP Hồ Chí Minh được xếp đô thị loại đặc biệt, có diện tích đứng thứ 2 cả nước (sau Hà Nội), có quy mô dân số trên 8 triệu người, nếu tính cả người vãng lai hiện gần 10 triệu người (trong đó dân cư đô thị chiếm 91%), nhưng cơ chế hoạt động tổ chức chính quyền các cấp hiện nay về cơ bản là tương tự như các tỉnh, thành phố khác. Theo Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, điều đó ngày càng bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm phân tích, trên địa bàn thành phố, kết cấu hạ tầng đồng bộ, thống nhất nên hoàn toàn khác với nông thôn. Do tính liên kết cao như vậy nên chia nhỏ đơn vị hành chính thì không khả thi về quản lý đô thị theo quy hoạch.

Khảo sát thực tế tại TP Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu của Quỹ Châu Á và Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) nhận định: Các sở, ngành của địa phương đang thực hiện hai chức năng chính là tham mưu cho UBND TP về quy hoạch, phát triển ngành và quản lý ngành. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh thực hiện phân cấp mạnh cho các quận, huyện dẫn đến sự phân khúc các chức năng giữa sở và quận. Ngoài ra còn có những chức năng bị chồng lấn hoặc bị bỏ trống, việc phân định trách nhiệm là chưa rõ ràng giữa sở với quận, hoặc giữa các sở, ngành. Chủ trương phân cấp mạnh cũng tạo sự phình to về bộ máy quản lý nhà nước cấp trung gian; quản lý hành chính về kinh tế và quy hoạch bị cắt khúc, nên hạn chế chất lượng, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng, việc chia các chức năng nhỏ cho các sở khác nhau đã khiến người dân, DN mất thời gian chờ đợi ý kiến của nhiều cơ quan liên quan… Vì vậy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, TS Trần Du Lịch cho rằng, để giải quyết chức năng chồng chéo, cắt khúc, bỏ trống, gây bất cập, kém hiệu quả trong quản lý đô thị như ở TP Hồ Chí Minh thì cần phải tổ chức lại chính quyền đô thị, không thể các cấp "cùng giăng lưới bắt mọi loại cá".

Do đặc thù xuất phát từ địa hình tự nhiên và tính chất địa bàn phát triển không đồng đều và qua nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước, TP Hồ Chí Minh kiến nghị triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi toàn thành phố. Cụ thể, chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh được tổ chức dựa trên nguyên tắc chủ yếu: Chính quyền địa phương có 2 cấp, bao gồm cấp TP trực thuộc trung ương và cấp cơ sở (bao gồm cấp TP trực thuộc TP Hồ Chí Minh và xã, thị trấn). Riêng địa bàn của 13 quận nội thành hiện hữu chỉ có một cấp chính quyền vì do đặc thù của địa bàn này có chung kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Như vậy, theo đơn vị hành chính thì quận, huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền, mà ở đó chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên. Sẽ hình thành các đô thị vệ tinh, tức là sẽ có "thành phố trong thành phố"; với 4 TP vệ tinh ở 4 cửa ngõ TP, hình thành từ việc gộp lại một số quận, huyện đang trong quá trình đô thị hóa. Các TP này sẽ có HĐND, UBND và được phân cấp quản lý rõ ràng và tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động trên địa bàn.

Tránh tình trạng "bình mới rượu cũ"

Với Đà Nẵng, đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị dự kiến sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ khi thực hiện thí điểm cho đến năm 2016 sẽ bỏ HĐND tại 11 xã thuộc huyện Hòa Vang; giai đoạn 2 đến năm 2021, chính quyền đô thị chỉ còn 2 cấp với HĐND TP, UBND TP và UBND phường, xã (giảm bớt quận, huyện), tăng thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND TP; giai đoạn 3 sau năm 2021, thực hiện chuyển từ chế độ lãnh đạo tập thể của UBND TP sang chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm cá nhân của Thị trưởng.

Như vậy trong giai đoạn 1, vai trò của HĐND TP được nâng cao trong việc thực hiện chức năng quyết nghị những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện nghị quyết và các hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn. Về tổ chức, chính quyền vẫn phân thành 3 cấp như hiện nay đó là UBND TP, UBND quận, huyện, UBND phường, xã. Các cơ quan chuyên môn sẽ được chuyển từ chức năng tham mưu sang chức năng quản lý nhà nước. Cơ quan hành chính cấp quận, huyện cũng sẽ được tinh gọn để theo dõi ngành, lĩnh vực... Việc sắp xếp, phân công hợp lý các nhiệm vụ thực hiện giữa UBND các cấp, mỗi công việc do một cấp thực hiện và chịu trách nhiệm chính là cơ sở để tinh gọn bộ máy.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ phân tích, với đề án thí điểm nêu trên, tổ chức chính quyền sẽ bảo đảm tính thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đất đai, nhà ở… Còn Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng: Việc xây dựng chính quyền đô thị phải bảo đảm được 2 mục đích quan trọng nhất đó là, chính quyền phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất hơn, tập trung hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian. Nếu không đạt được 2 nhiệm vụ trọng tâm trên thì "sản phẩm" của chúng ta chỉ là "bình mới rượu cũ".

Phải làm rõ 5 mối quan hệ các cấp

(HNM) - Ngày 18-9, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương về dự thảo Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Đa số các đại biểu đồng tình với chủ trương xây dựng mô hình chính quyền đô thị là xu thế tất yếu, phù hợp với thực trạng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong đề án vẫn chưa đề cập rõ 5 mối quan hệ trong lãnh đạo quản lý chính quyền. Đó là mối quan hệ giữa cấp chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ và các bộ, ban, ngành; mối quan hệ giữa cấp chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương với chính quyền thành phố vệ tinh; mối quan hệ giữa cấp chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương với khu dân cư đô thị hiện hữu; mối quan hệ giữa cấp chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương với khu vực nông thôn; mối quan hệ giữa cấp chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương với 3 mối quan hệ gồm: Chính quyền thành phố vệ tinh, đô thị hiện hữu và khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, đề án cũng chưa nêu rõ được những thuận lợi, khó khăn khi triển khai thực hiện thí điểm; vai trò của Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội trong xây dựng chính quyền đô thị, nhất là chưa nêu rõ về vai trò tự quản của cộng đồng.

Vũ Thủy

Thủy Anh Chi