Xây dựng hệ thống dữ liệu dân cư: Không thể trì hoãn
Đời sống - Ngày đăng : 05:55, 19/09/2013
Không chỉ trên lĩnh vực hành chính, một hệ thống dữ liệu đầy đủ góp phần quan trọng trong việc hoạch định nhiều loại chính sách và là đòi hỏi lớn trên mặt trận bảo đảm TTATXH. So với yêu cầu, việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu dân cư của Việt Nam đang chậm trễ và đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ...
Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu dân cư là việc làm hết sức cần thiết hiện nay. |
Vừa phức tạp vừa nhiều kẽ hở
Suốt nhiều năm qua, không chỉ người dân mà ngay cả các cơ quan hành chính, cơ quan pháp luật quá quen với việc kiểm tra, xác minh, xác nhận nhân thân qua các loại giấy tờ, lý lịch kiểu cũ. Một cá nhân có nhiều loại giấy tờ, lý lịch khiến cho dữ liệu về công dân tưởng như chặt chẽ nhưng hóa ra lại phức tạp, gây phiền toái cho chính công dân và công tác quản lý. Không phải các cơ quan chức năng không hiểu điều đó nhưng thực tế là hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được quan tâm xây dựng theo hướng hiện đại. Ngay cả khi một số dự án liên quan đến việc quản lý công dân, thu thập dữ liệu dân cư đã được hoạch định nhưng triển khai chậm chạp, có lúc "thiếu chuyên nghiệp", ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hiện đại hóa, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về công dân.
Gần đây, dư luận hết sức ngạc nhiên về sự việc một đối tượng từng phạm pháp, bị truy nã mà rồi lại trở thành sĩ quan CA tại một tỉnh phía Nam. Trong vụ việc này, Trần Hữu Nam (SN 1984, trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có hành trình trốn truy nã hơn 9 năm (từ năm 2004), rồi bằng cách xin tuyển vào CA nghĩa vụ, đi học trung cấp cảnh sát, tiếp đó được biên chế vào một cơ quan CA ở không xa nơi bị phát lệnh truy nã. Từng ấy thời gian, các cơ quan chức năng không phát hiện được dấu vết bất thường nào trong hồ sơ, lý lịch của đối tượng này, nghĩa là cơ sở dữ liệu về Trần Hữu Nam hoàn toàn "sạch sẽ"… Thực tế, qua nhiều vụ việc liên quan đến ANTT, nhiều đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân giả, tạo nên những bộ hồ sơ lý lịch giả để gây án, trốn tránh sự truy đuổi của cơ quan pháp luật, gây rất nhiều khó khăn cho việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Chỉ khi có dấu hiệu nghi vấn hoặc khi đã thành án, nhân thân đối tượng mới được truy xét đến. Như vậy, công tác quản lý hồ sơ cồng kềnh, phức tạp lâu nay hóa ra không đủ an toàn và còn quá nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng.
Không chấp nhận chậm trễ
Một trong những xu thế tất yếu của kỷ nguyên số hóa là việc xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia. Ở nhiều nước phát triển, hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư được đầu tư xây dựng từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện, hỗ trợ đắc lực cho ngành cảnh sát nói riêng cũng như nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác. Hiện, một hệ thống như thế đang được triển khai xây dựng thí điểm tại Hà Nội từ năm 2010 trên cơ sở Nghị định 90/2010/NĐ-CP của Chính phủ và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Lãnh đạo CATP Hà Nội đánh giá, sau khi hoàn thành, hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư của thành phố sẽ là một hệ thống thông tin quan trọng với nhiều phân hệ thành phần khác nhau, đồng thời là bộ phận quan trọng trong hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia. Tuy nhiên, còn phải chờ ít nhất 2 năm nữa...
Ngoài ra, để xây dựng một hệ thống dữ liệu tiên tiến hơn, việc thay đổi công nghệ chứng minh nhân dân cũng không thể không làm. Như lãnh đạo Bộ CA đánh giá, thu thập thông tin về dữ liệu dân cư quốc gia cũng chính là thu thập thông tin làm chứng minh nhân dân vì dữ liệu chứng minh nhân dân có thể coi là dữ liệu "lõi". Chính vì vậy, dự án này đã được Chính phủ phê duyệt sớm, từ năm 2004, nhưng đến năm 2012 mới được triển khai. Nguyên nhân của sự chậm trễ đó được Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ CA thẳng thắn thừa nhận là do sự thiếu quyết tâm của các cơ quan liên quan. Không còn sớm để có ngay sự tương thích giữa công tác cấp chứng minh nhân dân sử dụng công nghệ mới với việc mau chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia. Vì vậy, việc tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện 2 đề án này cần được làm ngay.