Ngăn chặn thuốc kém chất lượng: Không quá khó!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:15, 19/09/2013
Tính riêng hai năm 2012 và 2013, trong số 32-35 nghìn mẫu được kiểm tra mỗi năm, tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng hơn 3%. Cơ quan chức năng cũng đã chỉ đích danh 37 công ty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng. Thế nhưng, thuốc của quốc gia có vi phạm nhiều nhất lại chiếm tỷ lệ lớn tại các hồ sơ trúng thầu thuốc của nhiều tỉnh, thành phố. Thuốc kém chất lượng ngày càng nhiều hơn và đang tràn vào các bệnh viện.
Theo định nghĩa của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA): Thuốc giả bao gồm bất kỳ dược phẩm nhái hoặc kém chất lượng nào không đáp ứng được tiêu chuẩn của FDA nhưng cố tình che giấu sự thật. Nhiều khái niệm khác nhau về thuốc giả, thuốc kém chất lượng được đưa ra dựa trên các quan điểm khác nhau nhưng về tác hại thì đều có điểm chung là khi sử dụng loại thuốc này, các bác sĩ đều gặp thất bại trong điều trị, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong. Hiện nay, chưa có số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ ngộ độc thuốc ở Việt Nam nhưng nhiều bác sĩ thừa nhận có không ít người đã phải "trả giá đắt" do dùng phải thuốc giả, thuốc nhái.
Tác hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng thế nào, có lẽ không phải bàn thêm. Điều đáng nói là việc quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc nói chung và thuốc tân dược nói riêng dù không mới nhưng vẫn gặp không ít vấn đề. Đặc biệt khi các cơ quan chức năng chưa có sự thống nhất về khái niệm thuốc giả, chưa có các tiêu chuẩn để phân biệt thuốc kém chất lượng với thuốc giả… Chưa kể thực tế có rất nhiều loại thuốc bị "làm nhái", nhưng liệu có thể coi là thuốc giả hay không? Do vậy, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh thuốc thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả cũng cần được đặt ra, trong đó có việc xem xét tách hành vi sản xuất, buôn bán tân dược giả thành một tội danh độc lập…
Trong khi chờ đợi việc xây dựng một "hành lang pháp lý", các cơ quan chức năng vẫn có thể ngăn chặn những loại thuốc kém chất lượng tràn vào bệnh viện như việc đưa ra những ràng buộc chặt chẽ cho công ty đấu thầu: Nếu phát hiện một mặt hàng thuốc có vấn đề, có thể loại bỏ tất cả mặt hàng khác và cấm công ty đó tham dự đấu thầu trong nhiều năm. Với những quốc gia có một tỷ lệ thuốc nhất định có nghi vấn hoặc không bảo đảm về chất lượng, có thể cấm nhập toàn bộ thuốc từ quốc gia đó trong một thời gian… Để giám sát chuyện này, theo nhiều nhà quản lý, cần một cơ quan độc lập để loại bỏ những xung đột lợi ích có thể xảy ra. Và đây là những việc không quá khó.
Tóm lại, ngăn chặn thuốc giả, thuốc không bảo đảm chất lượng tràn ra thị trường và vào các bệnh viện đòi hỏi trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không chỉ của riêng ngành y tế. Bên cạnh việc đưa ra chính sách, quy trình về bảo vệ quyền sở hữu, tạo dựng các "hành lang pháp lý"… các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc xử lý những doanh nghiệp, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu ở bất kỳ mức độ và phạm vi nào. Sự minh bạch trên tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ là liều thuốc đặc trị cho vấn nạn này.