Cưới nhỏ vẫn vui

Xã hội - Ngày đăng : 06:14, 18/09/2013

(HNM) - Thực hiện chương trình của Thành ủy Hà Nội về

Đã có nhiều đám cưới tiết kiệm

Trước đòi hỏi bức thiết của dư luận xã hội, Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình nhằm chỉ đạo, hướng dẫn, vận động nhân dân tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới trên toàn địa bàn. Nhờ đó, các đợt vận động đã bước đầu thu được kết quả, nhận thức của không chỉ cán bộ, đảng viên mà người dân đã được nâng lên. Từ thành thị tới nông thôn, các buổi tiệc ngọt, tiệc trà mừng đám cưới đã được người dân đồng tình thực hiện.

Lễ cưới tập thể theo nếp sống văn minh tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Ảnh: Viết Thành



Đi tiên phong là đám cưới tập thể của 10 cặp uyên uơng diễn ra ngày 17-3 tại Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Quận đoàn Hoàng Mai tổ chức. Tại đám cưới này, các gia đình chỉ phải chi phí một phần rất nhỏ, phần còn lại được xã hội hóa. Tiếp đó, ngày 31-3, cặp đôi Nguyễn Đăng Chính - Nguyễn Ngọc Mai, thôn Vạn Thắng Lợi, xã Hồng Hà (Đan Phượng) nên duyên vợ chồng trong không khí hân hoan, chúc phúc của hàng trăm người dân và đại diện các ban, ngành, đoàn thể. Ngày 5-4, đám cưới của chú rể Danh Nam và cô dâu Thúy Ngà diễn ra tại UBND xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm) chỉ có tiệc ngọt, tiệc trà vẫn đông vui như hội. Nói về sự kiện lớn của đời mình, Danh Nam bộc bạch: "Kinh tế gia đình hai bên không khó khăn, nhưng chúng em chưa kiếm được nhiều tiền mà dùng tiền của bố mẹ để tổ chức cưới to em thấy không phải. Khi chúng em bàn bạc với gia đình tổ chức cưới cho chúng em theo nếp sống mới, bố mẹ và họ hàng cũng e ngại vì lý do cả đời mới có một lần, không tổ chức cưới linh đình thì cũng nên có vài chục mâm "ra mắt". Sau thấy chúng em quyết tâm, hai gia đình đều ủng hộ. Chúng em thực sự đã có một đám cưới như mơ".

Không chỉ có các bạn trẻ, nhiều bậc phụ huynh cũng rất ủng hộ chủ trương cưới đơn giản, gọn nhẹ. Như ông Phạm Luyện, Tổ trưởng tổ dân phố 13, phường Quang Trung (Hà Đông) chia sẻ: "Tôi rất mong phong trào cưới văn minh, tiết kiệm ngày càng phát triển. Đám cưới của các con, gia đình chúng tôi đều tổ chức rất gọn nhẹ, tất cả các thành viên trong gia đình đều thấy vui vẻ, hạnh phúc". Còn anh Tạ Văn Hưng, cán bộ văn hóa xã Liệp Tuyết (Quốc Oai) nói: "15 năm trước (năm 1998), tôi là trường hợp thứ ba ở tỉnh Hà Tây (cũ) cưới theo nếp sống văn hóa mới. Giảm chi phí, giảm nhiều hủ tục rườm rà nên sau đám cưới chúng tôi không phải gánh nỗi lo trả nợ như nhiều cặp vợ chồng trẻ thời đó. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi chưa bao giờ thấy hối hận về việc này, ngược lại luôn trân trọng những giây phút thiêng liêng của ngày cưới đáng nhớ để mà yêu thương, tôn trọng nhau hơn".

Một số ví dụ trên hiển nhiên cho thấy, nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình không phải bắt đầu từ những lễ cưới thật to.

Sức lan tỏa sâu rộng

Theo thông tin từ Sở VH,TT& DL Hà Nội, các chương trình, chỉ thị của thành phố được phổ biến đến tất cả các quận, huyện, thị xã, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn Thủ đô. Điều đáng mừng là phong trào cưới văn minh, tiết kiệm đang thể hiện sức lan tỏa ngày càng sâu rộng.

Ông Đỗ Xuân Danh, Trưởng thôn Trung, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm) cho biết, đám cưới trang trọng, đơn giản của đôi bạn Danh Nam - Thúy Ngà được lấy làm gương để tuyên truyền cho nhân dân trong xã. Nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ nhờ đó mà tiến bộ hơn nhiều. Cũng ở huyện Từ Liêm, 100% cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ xã Thượng Cát đã ký cam kết tổ chức đám cưới vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, nhiều ngày và số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người… Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã Thượng Cát đã thành lập Ban vận động xây dựng nếp sống văn minh tại các chi hội, lập sổ ký kết theo dõi việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; phối hợp với Ban Tư pháp xã nắm số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn để cử cán bộ đến tận nhà vận động gia đình tổ chức cưới theo nếp sống mới.

Tương tự, mô hình đám cưới không nhận tiền mừng của người già, người có hoàn cảnh khó khăn được triển khai thí điểm ở xã Yên Mỹ (Thanh Trì) nay đã được nhân rộng ra xã Đông Mỹ, Thanh Liệt, Tứ Hiệp… Theo một cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì, ý nghĩa của việc tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm đã được phổ biến, quán triệt đến mọi tầng lớp nhân dân trong huyện. Trước mỗi lễ cưới, đại diện các ban, ngành, đoàn thể đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, thuyết phục các gia đình tổ chức tiệc cưới theo nếp sống mới. Nhờ đó, từ cuối năm 2012 đến nay, 100% cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện tổ chức tiệc cưới đơn giản, gọn nhẹ trong phạm vi 50 mâm (không quá 300 khách mời) theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố. Theo gương cán bộ, hơn 90% số đám cưới của quần chúng cũng không "vượt chuẩn".

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, mô hình đám cưới nếp sống mới đang được người dân đón nhận nhiệt tình. Sự khởi đầu tích cực không chỉ tác động đến việc tổ chức cưới hỏi nói riêng, mà còn tác động tích cực tới thói quen tiết kiệm, nếp sống, lối sống văn minh nói chung.

Minh Ngọc