Cần xem xét phương án phù hợp
Xã hội - Ngày đăng : 06:02, 18/09/2013
Tiểu thương lo lắng, bức xúc
Chị Nguyễn Thị Hằng, một tiểu thương kinh doanh trên 30 năm tại chợ Phủ bức xúc cho biết: "Từ khi huyện triển khai các thủ tục chuyển đổi chợ Phủ, bà con tiểu thương vô cùng lo lắng bởi các hộ vừa vào thuê ki ốt gần 5 năm, chưa hoàn đủ vốn, nay lại đầu tư xây chợ mới thì tiểu thương không có vốn để thuê. Đó là chưa kể thời gian cải tạo xây dựng chợ, hàng trăm hộ mất nơi kinh doanh, buôn bán thì nguồn sống biết trông vào đâu". Tiểu thương Nguyễn Văn Tám, hộ kinh doanh hàng quần áo tại chợ cũng không giấu được sự băn khoăn. Anh cho biết, cuộc sống của gia đình hoàn toàn trông vào gian hàng này, vì vậy nếu cải tạo nâng cấp chợ Phủ mà không có nơi kinh doanh buôn bán tạm thì gia đình không biết xoay xở ra sao".
Hoạt động tại chợ Phủ những năm qua đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Trao đổi về vấn đề này, Chủ nhiệm HTX chợ Phủ Trần Đại Tư cho biết: Cách đây 6 năm, chợ Phủ là khu đất hoang, lều chợ siêu vẹo do dân tự dựng, đất đai bị lấn chiếm. Trước thực trạng đó, HTX Dịch vụ thương mại chợ Phủ (HTX chợ Phủ) được thành lập và đi vào hoạt động nhằm khắc phục tình trạng trên và đưa chợ vào hoạt động hiệu quả, tiến tới đóng góp vào ngân sách địa phương. Trong khi nhiều địa phương khác lúng túng trong việc thành lập HTX quản lý chợ thì ở thị trấn Quốc Oai từ năm 2007, HTX chợ Phủ được thành lập đã kêu gọi xã viên góp được 5 tỷ đồng đầu tư cải tạo chợ. Chỉ sau 18 tháng cải tạo xây dựng, chợ Phủ bao gồm 415 gian hàng, 20 ki ốt, hệ thống giao thông bê tông hóa, chợ có kho chứa hàng, có khu kinh doanh tự do, có khu vệ sinh đã đi vào hoạt động. Ngoài việc tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động, HTX còn nộp ngân sách hằng năm từ 125 triệu đồng đến 190 triệu đồng/năm.
Chọn phương án thích hợp
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nguyễn Quang Thắm, Phó phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, thành viên Ban chuyển đổi chợ Phủ cho biết: Thực hiện quy hoạch chung về phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn huyện Quốc Oai đến năm 2020, chợ Phủ cùng 13 chợ khác của huyện sẽ được chuyển đổi mô hình hoạt động. Theo đó, chợ Phủ có diện tích hơn 8.000m2 được phân ra 2 kỳ đầu tư. Giai đoạn từ năm 2013 đến 2015, đơn vị trúng thầu sẽ đầu tư 10 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, một nửa diện tích của chợ Phủ sẽ được đập ra, xây dựng nhà điều hành… Tuy nhiên, trong phương án chuyển đổi chợ cũng như đầu tư cải tạo, không có phương án chợ tạm cho tiểu thương.
Khi được hỏi phương án bảo đảm kinh doanh cho các tiểu thương nằm trong nửa diện tích chợ phải giải tỏa, ông Thắm cho biết "đơn vị trúng thầu sẽ phải lo cho tiểu thương về vấn đề này", còn lo như thế nào thì chưa biết(!). Có lẽ vì vậy mà các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Phủ hoang mang lo lắng. Mặt khác, Quyết định số 12/2011 của UBND TP Hà Nội về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố quy định chỉ chuyển đổi các chợ do ban hoặc tổ quản lý sang mô hình doanh nghiệp hoặc HTX quản lý, kinh doanh. Theo văn bản này, chợ Phủ, huyện Quốc Oai không nằm trong đối tượng chuyển đổi vì đã có HTX đang quản lý, khai thác chợ.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND thị trấn Quốc Oai Nguyễn Văn Toàn cho biết, quan điểm của địa phương là chấp hành nghiêm túc quy định của UBND TP về phát triển và quản lý chợ. Nếu chợ Phủ không nằm trong đối tượng chuyển đổi thì không nên đề cập. Trong điều kiện phải đầu tư nâng cấp chợ Phủ thì nên có lộ trình phân kỳ đầu tư để tiểu thương có phương án kinh doanh phù hợp.
Thiết nghĩ, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ dân sinh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn dân cư là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện với chợ Phủ, huyện Quốc Oai cần có bước đi phù hợp, quan tâm đến đời sống, nguyện vọng của tiểu thương cũng như của đơn vị quản lý, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, không gây xáo trộn. Mặt khác, việc chuyển đổi, đầu tư mới một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố chưa phát huy hiệu quả cũng là bài học để huyện Quốc Oai xem xét, cân nhắc đối với chợ Phủ.
Lãnh đạo Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Nội cho biết: Chợ Phủ (Quốc Oai) đang có đơn vị quản lý là HTX nên theo quy định tại QĐ 12/2011 của UBND thành phố, chợ này không thuộc đối tượng, phạm vi chuyển đổi mô hình hoạt động. Hiện Sở Công thương đang yêu cầu huyện Quốc Oai báo cáo về sự việc trên để kiểm tra, xem xét, giải quyết bức xúc của nhân dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Anh Tuấn cho biết: UBND huyện đã có văn bản hoãn đấu thầu chợ Phủ để xem xét lại quy trình, phương án đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác chợ Phủ. |