Lấy phiếu tín nhiệm: Rút kinh nghiệm để tiến tới thực chất

Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 17/09/2013

(HNM) - Theo dõi diễn biến việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương đánh giá, mức độ tín nhiệm phản ánh khá sát kết quả hoàn thành nhiệm vụ của người được lấy phiếu.



Thế nhưng, kết quả định lượng này mới đến từ một phía là cơ quan tham mưu. Trên thực tế, cần nghiên cứu thêm về số người lấy phiếu tín nhiệm cũng như các mức lấy phiếu tín nhiệm để việc đánh giá cán bộ không bị rơi vào tình trạng bình quân chủ nghĩa.

Các đại biểu HĐND TP thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh. Ảnh: Nhật Nam


Cấp thấp, nhiều phiếu tín nhiệm thấp

Theo bà Nguyễn Thị Nương, với 47 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII cho thấy, không người nào có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội. Ở cấp dưới, càng cấp thấp, phiếu tín nhiệm thấp càng nhiều. Cụ thể, đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu tại 63/63 tỉnh, thành phố, có 2 người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50% tổng số đại biểu. Ở cấp huyện, tính đến ngày 10-9-2013, theo thống kê chưa đầy đủ, có 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Với cấp xã, có tới 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Đặc biệt trong số này 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, thuộc các tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Phú Thọ, Kon Tum, Thanh Hóa.

Bà Nguyễn Thị Nương nhận định, công tác thông tin được quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời giúp các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tiếp cận được nhiều dữ liệu thiết thực, tin cậy. Kết quả đánh giá đã phản ánh đúng năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Những người có số phiếu tín nhiệm thấp chủ yếu là do năng lực hạn chế; do hiệu quả giải quyết công việc liên quan đến quyền lợi người dân chưa cao. Trong số này, có người vi phạm khuyết điểm đã và đang bị xem xét kỷ luật.

Không quận, huyện, cấp, ngành nào lên tiếng phủ nhận nhận định trên, song, nhìn tổng thể, những con số thống kê mới chỉ là kết quả một chiều của nhóm rà soát từ TƯ đến địa phương. "Chừng nào chưa đánh giá trách nhiệm, sự công tâm của chính những người bỏ phiếu thì chưa thể xác thực về tính khách quan, độ tin cậy của những lá phiếu" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhận định. Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Hiện, cần phải phân tích nguyên nhân tại sao, càng ở cấp dưới, tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp thu được càng cao từ chính mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đối thoại với số cán bộ có phiếu thấp. Tổng hợp 2 kết quả trên mới có cơ sở khẳng định, số cán bộ này có yếu kém, bất cập như con số thể hiện và bàn giải pháp khắc phục.

Nên để hai mức tín nhiệm

Liên quan đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách - Tài chính của Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm mà nên thực hiện hai năm một lần. Bởi bỏ phiếu tín nhiệm được coi là "thượng phương bảo kiếm", chỉ nên "rút ra" khi cần thiết. Còn năm nào cũng thực hiện công việc này dễ dẫn đến tình trạng gây áp lực cho người trong diện lấy phiếu, khiến họ thiếu quyết tâm, không dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra quyết định sắc bén khi thực hiện các nhiệm vụ được giao mà chấp nhận cả nể, xuê xoa "dĩ hòa vi quý", còn hơn là làm việc quyết liệt mà "mất phiếu". Mặt khác, cần cân nhắc khi đưa các giám đốc sở, các trưởng phòng quan trọng vào đối tượng được lấy phiếu. Họ không phải là những người dân bầu nhưng các quyết định của họ trực tiếp và liên quan đến cuộc sống của nhân dân hằng ngày. Về cách lấy phiếu, qua kênh tiếp xúc cử tri các quận, huyện của thành phố Hà Nội, rất nhiều ý kiến nhân dân đề nghị chỉ nên để 2 mức lấy phiếu tín nhiệm là tín nhiệm và tín nhiệm thấp, hoặc tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp để vừa dễ đánh giá, vừa không rơi vào tình trạng bình quân chủ nghĩa. Vì với 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay thì số phiếu sẽ không tập trung. Đặc biệt, việc công bố công khai những cán bộ nhiều phiếu tín nhiệm thấp là một việc làm lành mạnh, minh bạch. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng thế nào trong công tác cán bộ cũng là băn khoăn của không ít cử tri, bởi với chu trình hiện hành, phải chờ qua 2 lần tín nhiệm thấp liên tiếp trong hai năm cơ quan chức năng mới xử lý thì có khi cán bộ có kết quả phiếu tín nhiệm thấp cũng gần hết nhiệm kỳ công tác.

Những vấn đề nêu trên sẽ được bàn thảo trong kỳ họp Quốc hội thứ 6 diễn ra vào cuối tháng 10 tới. Có thể chưa giải quyết hết những bất cập được ngay, nhưng đây là lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu và từ nay sẽ trở thành việc làm thường xuyên hằng năm, chính vì vậy cần kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm ở từng cấp để trong lần bỏ phiếu tới, việc đánh giá cán bộ sẽ thực chất và hiệu quả hơn.

Hà Phong