Nỗ lực xóa nghèo ở Ba Vì

Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 17/09/2013

(HNM) - Huyện Ba Vì là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thành phố Hà Nội. Thực hiện công tác giảm nghèo, trong nhiều năm qua, huyện Ba Vì đã triển khai nhiều giải pháp giúp các hộ thoát nghèo...

Chị Nguyễn Thị Yên (xã Ba Trại) không giấu được niềm vui khi được hỏi về những nỗ lực thoát nghèo của gia đình. Chị cho biết: Cách đây 5 năm, được các đoàn thể giúp đỡ cho vay vốn lãi suất thấp và phổ biến kiến thức chăn nuôi nên vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà thịt. Mỗi năm nuôi 3 lứa gà, trung bình mỗi lứa khoảng 8.000 con, trừ chi phí tiền lãi thu về 40 triệu đồng/năm. Đây chính là nguồn thu chính giúp gia đình chị thoát nghèo. Xã Ba Trại hiện có 162 trang trại, nuôi gần 4 triệu gia cầm, trừ chi phí mỗi năm bình quân các trang trại lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chăn nuôi đã trở thành kinh tế mũi nhọn đối với nông dân trong xã ngoài cây chè.

Một hộ gia đình ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì đã thoát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi kết hợp thả cá. Ảnh: Lê Tuấn


Ông Nguyễn Đình Đoàn (xã Thụy An) lại thoát nghèo thành công nhờ nuôi ong lấy mật. Trên diện tích 700m2 của gia đình ông Đoàn đã áp dụng kỹ thuật nuôi, phòng chống bệnh cho ong trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, vì vậy ông đã có hàng trăm đõ ong, mỗi năm trừ chi phí ông thu lãi gần 150 triệu đồng. Xã Thụy An còn nhiều mô hình kinh tế VAC, nuôi gà, thả cá, nuôi lợn hiệu quả cao. Đồng hành với các mô hình đó, các hội, đoàn thể của xã Thụy An đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì tổng số tiền hơn hai tỷ đồng, lãi suất thấp để cho hội viên vay phát triển kinh tế; đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi để hội viên nắm bắt được kinh nghiệm hay, kỹ thuật tiên tiến, áp dụng tại gia đình mình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết: Để tạo thuận lợi cho nông dân thoát nghèo, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá cao và được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đó là cho vay vốn phát triển sản xuất, kết hợp với dạy nghề cho người nghèo và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội. Từ định hướng trên, nhiều chương trình trọng điểm đã được triển khai để từng bước giúp các hộ thoát nghèo. Trong đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo vay từ năm 2008 đến nay là gần 300 tỷ đồng; dư nợ cho hộ nghèo vay là trên 85 tỷ đồng, dư nợ cho vay giải quyết việc làm là hơn 38 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có gần 4.000 lao động nông thôn được học nghề.

Với đặc thù là một huyện vùng núi, bán sơn địa và đồng bằng nên huyện Ba Vì còn chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo từng vùng. Cụ thể, huyện tập trung phát triển chăn nuôi bò, lợn, gia cầm tại các xã Sơn Đà, Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Thụy An, Vật Lại; nuôi trồng thủy sản ở các xã Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Cường, Phong Vân, Phú Đông. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa tại các xã Cổ Đô, Đồng Thái, Phong Vân, Phú Phương; khoai lang ở Đồng Thái, ngô Thuần Mỹ, Sơn Đà, Cẩm Lĩnh; cây ăn quả tại các xã vùng đồi gò, vùng bãi ven sông; sản xuất rau an toàn tại các xã Chu Minh, Tây Đằng, Minh Châu; vùng chuyên trồng chè tại Ba Trại… Để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, huyện Ba Vì còn triển khai dự án nuôi bò sinh sản với nguồn vốn ban đầu gần 2,5 tỷ đồng, triển khai tại 350 hộ dân của 7 xã Thái Hòa, Khánh Thượng, Minh Châu, Phú Sơn, Phú Đông, Phú Cường, Tòng Bạt. Từ 350 con bò đến nay đàn bò của chương trình đã nhân lên trên 4.000 con đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên mỗi năm huyện Ba Vì có 3% hộ dân thoát nghèo. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Quốc Văn, để công tác giảm nghèo đạt được kết quả bền vững, thời gian tới huyện sẽ tập trung đào tạo lao động có tay nghề cao và tạo việc làm tại chỗ, kết hợp động viên các hộ nghèo nỗ lực vươn lên.

Hiền Phương