"Tiền đâu?" - Vấn đề đầu tiên

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:56, 16/09/2013

(HNM) - Thể thao Việt Nam đang háo hức hướng tới SEA Games 27 vào cuối năm nay. Tuy là "giải ao làng", nhưng chưa bao giờ khiến ngành thể thao giảm sự hào hứng. Năm nay, tham gia giải này, người ta "thòng" thêm ý nghĩa hướng tới ASIAD 2019 mà Việt Nam đã được trao quyền đăng cai.


Giữa lúc nhiều người đăng đàn nói về ASIAD 2019, kỳ cuộc thể thao mang tầm châu lục vốn là nơi mà thể thao Việt Nam thể hiện nhiều hạn chế trong những năm qua, ai cũng tỏ thái độ lạc quan thì có người nói thẳng về sự khó mà ta không dễ vượt qua để khẳng định mình ở sân chơi lớn - dù có lợi thế chủ nhà. Thứ nhất là thiếu kinh phí đào tạo lớp vận động viên đủ sức cáng đáng mục tiêu giành huy chương ASIAD 2019. Khó khăn thứ hai, không kém phần quan trọng, liên quan đến tư duy phát triển và mục tiêu đường dài. Cuối tháng 8 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Dương Nghiệp Chí, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, nói thẳng rằng: "Rào cản lớn là sự nhìn nhận cùng cách thức đầu tư quá dàn trải, thiếu trọng tâm - trọng điểm, gần như chỉ phù hợp và phục vụ cho đích SEA Games. Điều này càng trở nên nghiêm trọng bởi nó diễn ra trong thời gian dài, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp mà đòi hỏi của thể thao hiện đại ngày một cao. Cứ mãi hàng đầu SEA Games nhưng ra khỏi khu vực thì kết quả khác hẳn".

Thoát khỏi khó khăn tồn tại dai dẳng nói trên không phải chuyện dễ, đòi hỏi thay đổi tư duy quản lý, tư duy định hướng mục tiêu, quyết liệt giải quyết bài toán kinh phí - điều liên quan đến chất lượng thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực thể thao.

Về vấn đề kinh phí, lâu nay thể thao Việt Nam được ví như người nghèo mà thích tiêu hoang. Sự hoang không chỉ thể hiện ở cách sử dụng ngân sách nhà nước thiếu hiệu quả - đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, mà còn thể hiện ở cách thức mời gọi và sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa. Thường thấy hiện tượng các tổ chức, cá nhân tài trợ cho các sự kiện thể thao đình đám, rất ít nơi hướng về công tác đào tạo trẻ hoặc ủng hộ chương trình mục tiêu dài hơi - không có ngay "quả ngọt". Thực tế ấy liên quan đến tư duy mời gọi đầu tư của phía làm thể thao, liên quan đến thói quen "ăn xổi" của phía tài trợ, và trên tất cả là thái độ không cùng hướng về sự phát triển bền vững của thể thao Việt Nam.

Trong bối cảnh ấy, thực trạng của thể thao Việt Nam nên được hiểu thế nào? Ông Dương Nghiệp Chí cho rằng, thể thao Việt Nam đã "chạm trần" ở SEA Games năm 2003, chục năm qua nhìn chung không tiến được bao nhiêu dù có vài điểm sáng đáng ghi nhận. Nhận xét nói trên không phải không có lý. Khi thực hiện loạt bài "Thể thao Việt Nam và vấn đề đào tạo trẻ: Mối lo thường trực" (khởi đăng trên Báo Hànộimới ngày 15-9), nhóm phóng viên đã hỏi ý kiến chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Hồng Minh. Nhận xét được đưa ra, đại ý là sau SEA Games 2003, thể thao Việt Nam thiếu một chương trình mục tiêu lớn đủ sức định hướng phát triển đúng mực. Sự thiếu kinh phí kèm cách đầu tư dàn trải khiến cho nhiều liên đoàn thể thao phải tự bươn chải.

Giải bài toán kinh phí giờ xứng đáng được coi là nhiệm vụ hàng đầu của nhà quản lý thể thao. Mục tiêu lớn nhất là hướng tới sự tự chủ, dần thoát ra khỏi sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào "bầu sữa nhà nước". Muốn vậy, phải có đường hướng bài bản, lộ trình thực hiện rõ ràng, quan trọng nhất là hướng mạnh về mô hình chuyên nghiệp hóa nhằm tạo sức hút đầu tư. Các liên đoàn thể thao, đặc biệt là với các môn có thể "lên chuyên" trong tương lai gần nên được phân quyền tự chủ thực sự. Đề án xã hội hóa thể thao đã có cách nay hơn chục năm, giờ cần được thúc đẩy việc thực hiện một cách đồng bộ, hạn chế cách làm tự phát như hiện nay.

Dục Tú