Minh chứng về một Thăng Long rực rỡ

Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 15/09/2013

(HNM) - Trong ngày 13 và 14-9, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế đánh giá kết quả nghiên cứu di tích kiến trúc khu A-B, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 6 năm nghiên cứu (2008-2013).



Các nhà khoa học đã khẳng định, giá trị nổi bật và tính độc đáo của di tích khu A-B là có nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kỳ từ Đại La, Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần và Lê nằm chồng xếp, đan xen nhau, tiếp nối nhau. Các di tích đó phản ánh rõ mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long.


Những phát hiện giá trị

Tại khu A, di tích thời Lý nổi bật là kiến trúc cung điện lớn với diện tích hơn 1.200m2 (dài khoảng hơn 70m, rộng gần 18m) nằm ở phía bắc. Phát hiện quan trọng nữa ở phía tây khu A là hệ thống 11 cụm móng trụ sỏi tròn, nằm cách nhau từ 8 đến 12m, chạy dọc theo hướng bắc nam, dài hơn 82m. Kiểu dáng kiến trúc và chức năng của kiến trúc độc đáo này hiện chưa thể nhận biết chính xác. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng đây là kiến trúc kiểu cột cờ, giống như cung điện Nara của Nhật Bản hay là kiến trúc tháp nhiều tầng liên quan đến tôn giáo. Còn các nhà khảo cổ học Việt Nam cho rằng đây là công trình kiến trúc lầu gác được xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu thưởng trà trong hoàng cung. Còn các dấu tích kiến trúc thời Trần tìm thấy ở đây là nền móng kiến trúc cung điện có hệ thống bó nền bằng gạch xếp, được tạo theo hình hoa chanh rất đặc trưng của nghệ thuật thời Trần.

Tại khu B, di tích thời Lý nổi bật với kiến trúc "nhà dài" xuất lộ hoàn chỉnh nhất, đủ 13 gian với 14 hàng chân cột gồm 11 gian và 2 chái. Kiến trúc nằm theo hướng bắc - nam, lòng kiến trúc rộng khoảng 450m2 có kết cấu 3 hàng chân cột, nằm cách đều nhau. Hai bên đông tây của kiến trúc này có hai hệ thống đường cống thoát nước được xây dựng bằng gạch rất kiên cố và khoa học. Cũng tại khu B, có 2 dấu tích nền móng kiến trúc thời Trần đáng chú ý. Kiến trúc thứ nhất ở phía bắc được xây dựng trực tiếp trên nền của kiến trúc thời Lý, hiện đã xuất lộ 13 móng trụ được gia cố bằng mảnh ngói vỡ. Kiến trúc thứ hai được xây dựng chồng lên trên kiến trúc Lý, đã xuất lộ 9 móng trụ. Ngoài ra, ở khu B cũng tìm thấy một số đoạn cống thoát nước được xây bằng gạch chữ nhật, đặc biệt hơn là những đoạn cống hình ống dùng ngói lòng máng úp vào nhau. Di tích thời Lê nổi bật nhất là 3 giếng nước trong đó 2 giếng được xây bằng gạch vồ và một giếng được xây bằng các loại gạch của thời Lý, Trần tận dụng.

PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học đánh giá, những phát hiện dưới lòng đất của khảo cổ học tại khu vực này như nền móng các công trình kiến trúc, hành lang, hệ thống tường bao, cống nước, giếng nước, đường đi lối lại đã minh chứng một cách rõ ràng rằng, các cung điện, lầu gác trong Hoàng thành Thăng Long từng được xây dựng rất công phu, tráng lệ. Một số lượng lớn các loại hình di vật như phù điêu, tượng tròn và ngói lợp mái trang trí rồng, phượng được tìm thấy ở đây cho thấy kiến trúc Hoàng thành Thăng Long được thiết kế với sự phô bày vẻ đẹp rực rỡ nhằm thể hiện sự oai nghiêm, đường bệ của hoàng đế, đồng thời phản ánh đây vừa là trung tâm hành chính của các vương triều, vừa là cung cấm của các hoàng đế nhà Lý, Trần, Lê kế tiếp nhau trị vì đất nước.

Cần những nghiên cứu tiếp theo

TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành cho biết, di tích thời kỳ tiền Thăng Long (thế kỷ VII - thế kỷ X) tại khu A-B vẫn là một câu hỏi mở. Tại khu A, một số dấu tích móng trụ bằng gỗ của kiến trúc và các đoạn gạch bó nền của thời kỳ này cũng được tìm thấy, song rất mờ nhạt và không thể xác định được rõ ràng. Bởi lẽ, phần lớn phát hiện này mang tính đơn lẻ và tình cờ khi đào hố thăm dò để nghiên cứu mặt cắt, kết cấu, kỹ thuật xây dựng các móng trụ của kiến trúc thời Lý. Mặt khác, do phải bảo tồn các di tích kiến trúc thời Lý, Trần, Lê ở bên trên nên không có điều kiện khai quật trong phạm vi rộng nhằm tìm hiểu phạm vi và quy mô của các di tích kiến trúc đó. Di tích thời Lê ở khu A cũng trong tình trạng tương tự, phần lớn đã bị đào phá do những biến động của Thăng Long vào cuối thế kỷ XVIII và khi nhà Nguyễn tiến hành xây thành Hà Nội vào năm 1803, rồi sau đó người Pháp phá bỏ tòa thành này vào năm 1897. Dấu tích còn lại có thể nhận biết là hệ thống móng trụ bằng gạch nằm ở khu vực phía đông và bắc khu A. Tuy nhiên, hiện nay, do xuất lộ chưa hết và bị đào phá quá nhiều nên chưa thể nhận biết rõ ràng mặt bằng tổng thể của kiến trúc.

Nghiên cứu cách sử dụng ngói lợp mái thời Đại La (thế kỷ VII-IX), Tiến sĩ Koki Imai, Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa quốc gia Nara (Nhật Bản) cho rằng, chưa thể kết luận chắc chắn về việc có hay không cách sử dụng như nhau cho các loại ngói ở Thăng Long. Bởi nhiều loại ngói tương tự được tìm thấy ở các nơi khác là ngói thời Liêu hay thời Bắc Tống và dường như được tạo ra muộn hơn thời Đại La. Để khẳng định niên đại của ngói tìm thấy ở Thăng Long, cần khảo sát tổng thể để có được sự khẳng định toàn diện.

Cũng theo TS Bùi Minh Trí, kết quả nghiên cứu về các loại hình kiến trúc ở khu A-B của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long mới chỉ là kết quả nghiên cứu cơ bản về diện mạo mặt bằng, kỹ thuật xây dựng cũng như niên đại cơ bản nhất của các công trình kiến trúc đó. Mối quan hệ về thời gian và không gian cũng như việc đánh giá về quy hoạch cảnh quan đô thị của các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác ở khu vực này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu.

Lâm Vũ