Có cơ hội nên về Việt Nam đầu tư

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:19, 15/09/2013

(HNM) - Đó là chia sẻ chân thành của ông Tiêu Như Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đà Lạt - Việt kiều Đức - khi được hỏi ông có lời khuyên nào đối với doanh nhân kiều bào đang muốn về nước tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh.

Sinh năm 1950 tại Rạch Giá (Kiên Giang), năm 1968 ông Tiêu Như Phương đi du học tại Trường Đại học Stuttgart (Đức). Với mong muốn được góp phần mình vào sự phát triển của đất nước, năm 1985 ông trở về Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Nhớ lại thời kỳ đầu về nước, ông Phương chia sẻ: "Mặc dù khi đó nước ta mới tiến hành công cuộc đổi mới, nhưng việc đầu tư kinh doanh khá thuận lợi. Tôi đầu tư sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ để xuất đi Châu Âu, Mỹ. Mối quan tâm duy nhất của tôi khi đó là giá cả và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn khi các nước trong khu vực sản xuất cùng sản phẩm lại có giá thành, chất lượng, dịch vụ phân phối… tốt hơn. Đây cũng là những khó khăn mà tôi muốn các doanh nghiệp Việt kiều cần cân nhắc khi trở về nước đầu tư".

Ông Tiêu Như Phương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đà Lạt.


Sau nhiều năm đầu tư thành công vào lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ, mấy năm gần đây ông Phương chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng các khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Việt Nam. Tên tuổi của ông giờ đã gắn với khu nghỉ dưỡng cao cấp Palm Garden ở Hội An, Quảng Nam và Dalat Edensee Resort (Đà Lạt). Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam ông Phương cho rằng: "Bạn phải có quyết tâm cao độ cho mình, cho cộng đồng và cho xã hội. Đó là động lực thúc đẩy bạn đi đến con đường thành công nhanh nhất. Trên bước đường đầu tư không tránh khỏi lúc thuận lợi, khó khăn, bế tắc. Vì thế bạn không nên chờ đợi cơ chế và điều kiện khách quan bên ngoài, hãy làm hết sức mình, chủ động tạo cho mình những nhân tố thuận lợi".

Tuy nhiên không chỉ ông Phương mà nhiều kiều bào khi về nước đầu tư cũng có chung quan điểm rằng, thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn với các nhà đầu tư tại Việt Nam. "Sự cục bộ địa phương và cơ chế một cửa mà nhiều người vẫn thường nói đùa rằng, một cửa nhưng khóa bằng nhiều ổ khóa và phải mở bằng nhiều chìa khóa là vấn đề cần được cải thiện. Chính phủ, Nhà nước đã đưa ra những chủ trương, chính sách rất tốt nhằm thu hút đầu tư của kiều bào, thế nhưng khi làm việc với các cấp địa phương lại khác. Chính những cơ chế chưa thông thoáng, không đồng nhất ở một số địa phương đã phần nào khiến doanh nghiệp kiều bào gặp khó khăn" - ông Phương nhấn mạnh.

Các số liệu thống kê cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam hằng năm đều tăng, với con số khá ấn tượng 9 tỷ USD năm 2012 và dự kiến đạt 11 tỷ USD trong năm nay. Với lượng tiền này, Việt Nam đã được xếp thứ 7 trong các nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Đây là nguồn vốn hết sức quan trọng trong bối cảnh thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gặp khó khăn. Ông Phương cho rằng: "Kiều hối không phải là thước đo đầu tư. Thực tế cho thấy, không phải kiều bào nào ở nước ngoài cũng có nguồn vốn lớn. Khi kinh tế thế giới khó khăn, cuộc sống của bà con ở nước ngoài cũng không dễ dàng. Vì thế tôi mong rằng Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cụ thể hơn, hiệu quả và thiết thực hơn để tiếp tục khơi thông dòng chảy vốn của kiều bào đầu tư về nước".

Để thu hút hơn nữa các doanh nhân kiều bào trở về quê hương làm ăn, theo ông Phương cần phải có sự thay đổi tư duy. Song song với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chống tham nhũng lãng phí… Những thay đổi tích cực này không chỉ giúp Việt Nam phát triển hơn mà còn góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư kiều bào cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam.

Đình Hiệp