Thể thao Việt Nam và vấn đề đào tạo trẻ: Mối lo thường trực

Thể thao - Ngày đăng : 05:53, 15/09/2013

(HNM)  - Cần làm gì để làm tốt khâu đào tạo trẻ, tìm được hướng đi đúng và thực sự hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững của thể thao Việt Nam...

LTS: Chỉ còn gần hai tháng nữa là tròn một năm ngày Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18 - Hà Nội - 2019. Đến lúc này, khâu chuẩn bị đào tạo lứa VĐV trẻ hiện nay cho nhiệm vụ tại ASIAD 18 cũng như những mục tiêu lâu dài hơn đang được đặt ra. Vấn đề là Thể thao Việt Nam (TTVN) đã và đang ứng xử thế nào với chuyện này? Cần làm gì để làm tốt khâu đào tạo trẻ, tìm được hướng đi đúng và thực sự hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững của TTVN, nhắm tới những mục tiêu lớn như chinh phục HCV Olympic? Báo Hànộimới đề cập đến vấn đề quan trọng này với loạt bài: "Thể thao Việt Nam và vấn đề đào tạo trẻ: Mối lo thường trực".

Bài 1: Từ chính quy đến… tự bươn chải

Ở tầm vĩ mô thì với ngành nào cũng vậy, muốn phát triển thuận lợi thì cần có đường hướng rõ ràng, thể hiện tầm nhìn xa. Việc ấy, với ngành thể thao, có điều gì đáng kể?

Đào tạo VĐV trẻ bài bản sẽ bảo đảm sự phát triển bền vững để chinh phục những mục tiêu lớn.


Căn cốt của sự phát triển

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, "vị tướng già" từng nhiều lần giữ cương vị Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế, kể lại: Ngay sau năm 1954, miền Bắc đã có định hướng rõ ràng cho việc phát triển các môn thể thao. Lúc ấy, bóng đá, bóng bàn, điền kinh, bơi lội, bắn súng, bóng rổ, bóng chuyền, những môn có tên trong chương trình thi đấu Olympic đã được tập trung đầu tư phát triển. Đi cùng định hướng lớn đó là kế hoạch cụ thể về đào tạo VĐV trẻ - thể hiện rõ ở việc thành lập những trung tâm huấn luyện thể thao - đa số sau này nức tiếng "mát tay" như Trường Huấn luyện kỹ thuật thể thao trung ương, Trường Từ Sơn, Trường Quần Ngựa. Nhờ thế mà thể thao miền Bắc liên tục có tài năng.

Đất nước thống nhất, TTVN hướng đến những mục tiêu xa hơn, cao hơn. Lúc ấy không chỉ cần có cơ sở đào tạo, không chỉ đề ra mục tiêu, kế hoạch mà còn cần người giỏi để biến mục tiêu thành hiện thực. Để chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1985, các địa phương, ngành đã ráo riết chuẩn bị lực lượng. May mắn là khi ấy, đội ngũ lãnh đạo thể thao ở nhiều tỉnh, thành có nhiều người từng lăn lộn với mảng thể thao nên công tác xây dựng lực lượng khá hiệu quả. Nhắc đến những cái tên như Lê Bửu (TP Hồ Chí Minh), Lê Thi (Bình Định), Phạm Tất Thắng, Ngô Xuân Quýnh (Quân đội)… là người ta nhớ đến những con người tài năng, tâm huyết, trách nhiệm. Chính họ đã góp phần đề ra định hướng đúng đắn để cung cấp cho TTVN những lứa VĐV có tài. Từ sau ĐH TDTT toàn quốc năm 1985, TTVN đã lại xuất hiện một thế hệ VĐV tài năng mới.

Nhưng năm 1992 mới thực sự là bước ngoặt của công tác đào tạo trẻ. Ông Minh nhớ lại: "Khi đó, đề án đăng cai SEA Games lần đầu tiên tại Việt Nam ra đời đi kèm với chiến lược xây dựng lực lượng. Đến năm 1993, chương trình mục tiêu của ngành TDTT về đào tạo VĐV trẻ đã được hoàn thành và đi vào hoạt động. Năm 1997, chương trình được nâng cấp khi Chính phủ ký quyết định ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo VĐV trẻ. Một trong những mục đích của chương trình này là tạo ra lực lượng VĐV đủ mạnh để đua tài tại SEA Games 23 năm 2003".

Giai đoạn ấy, các địa phương được cấp kinh phí đào tạo VĐV ở trên 30 môn. Mỗi địa phương, tùy đặc thù cơ sở vật chất và con người mà được "khoán" đào tạo một số VĐV nhất định, cấp trung ương luôn kiểm tra, giám sát để bảo đảm không lãng phí nguồn lực vật chất và con người. Kết quả là từ năm 1993 đến 2003, hơn 16.000 VĐV trẻ đã được đào tạo bài bản theo chương trình nói trên, trong đó có 2.900 người được đánh giá thuộc diện xuất sắc và thực tế là 1.500 người trong số này đã có đóng góp lớn vào ngôi vô địch toàn đoàn của TTVN tại SEA Games 22 - năm 2003 cũng như thành tích mà TTVN đạt được trong gần chục năm sau đó. Thậm chí, đến bây giờ vẫn còn có người trong số trẻ xuất sắc ngày nào được trọng dụng ở đội tuyển quốc gia, như Trần Tuấn Quỳnh (bóng bàn), Văn Ngọc Tú (Judo)…

Kể những chuyện trên để thấy chiến lược vĩ mô, được thể hiện qua những kế hoạch dài hơi, hợp lý có tầm quan trọng thế nào đối với sự phát triển của một nền thể thao nói chung và công tác đào tạo trẻ nói riêng. Tất nhiên, chiến lược tốt, kế hoạch tốt cần có cách thực hiện bài bản mới đạt được hiệu quả thực sự. Thể thao TP Hồ Chí Minh từng có chương trình "Thế hệ vàng" với những mục tiêu đầy tham vọng. Tuy nhiên, khi phương pháp thực hiện không tốt thì hiệu quả của chương trình giảm thấy rõ.

Kình ngư Ánh Viên, một trong số ít các VĐV trẻ được đào tạo bài bản của thể thao Việt Nam hướng tới ASIAD 18.


Muôn kiểu ứng biến tạm thời

Năm 2007, khi ba ngành VH, TT, DL hợp nhất, Chương trình mục tiêu quốc gia của TTVN cũng bị ngưng trệ. Kế hoạch đào tạo VĐV trẻ xuất sắc với khoảng 700 người ở hơn 20 môn, nhằm chuẩn bị cho việc đăng cai ASIAD lâm cảnh dang dở. Từ đó đến nay, TTVN không còn có sự xuất hiện ào ạt của những tài năng trẻ như trước nữa. Thành tích tại các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic đa phần dựa vào lớp VĐV được đào tạo bởi chương trình mục tiêu quốc gia trước đây.

Chương trình mục tiêu không còn, các nhà quản lý, nhất là ở các bộ môn, đành phải dùng cách khác để vượt khó. Họ "cài" những VĐV trẻ tài năng vào đội tuyển quốc gia, giúp VĐV sớm rút ngắn khoảng cách so với thế hệ trước, có thể nhanh chóng gánh vác nhiệm vụ quốc gia. Điền kinh và bắn súng là những bộ môn tích cực nhất trong việc này, và đến giờ, đây là hai bộ môn có sự kế thừa tốt nhất của TTVN. Nói chung, gần đây, các bộ môn chú trọng duy trì các đội tuyển trẻ quốc gia nhằm tạo nguồn kế thừa, thay vì "gửi" các địa phương đào tạo như trước.

Từ năm 2007 đến nay, chưa có văn bản nào tương tự Chương trình mục tiêu quốc gia của TTVN được ban hành. Có thể coi đây là thiệt thòi cho TTVN. Tất nhiên, một số địa phương, ngành vẫn duy trì hệ thống đào tạo trẻ quy mô lớn của mình bằng nguồn ngân sách tại chỗ, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Đà Nẵng. Gần đây, thêm Thanh Hóa, Lào Cai nổi lên như những trung tâm tiềm năng về đào tạo VĐV trẻ dù quy mô nhỏ hơn.

Những thông tin gần đây cho thấy, sẽ khó có một Chương trình mục tiêu quốc gia của TTVN ra đời trong thời gian tới. Để chuẩn bị lực lượng VĐV cho ASIAD 18-2019, TTVN sẽ phải dựa vào số VĐV trẻ hiện nay và tập trung đầu tư thay vì huấn luyện từ ban đầu. Không kể, quãng thời gian 6 năm nữa cũng không đủ để TTVN tạo ra một lớp VĐV được huấn luyện theo đúng quy trình đào tạo (thường cần tối thiểu từ 8 đến 10 năm).

Đó là câu chuyện vĩ mô chứa đầy sự lo âu, đặc biệt là với công tác đào tạo trẻ của TTVN.

Mai Hoa - Vũ Quỳnh