Hà Nội: Khai tử “cầu khỉ”, đợi đến bao giờ?

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:33, 15/09/2013

(HNM) - Dù nhiều nơi không thừa nhận những cầu dân sinh bắc qua cống lộ thiên là



Không chỉ gây nguy hiểm cho người dân, những cây "cầu khỉ" này đang từng ngày tạo ra hình ảnh nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị của rất nhiều tuyến phố. Đã đến lúc các ngành chức năng cần kiên quyết loại bỏ những cây cầu dân sinh tự phát chứ không thể chỉ là vận động, thuyết phục người dân tự tháo dỡ như hiện nay...

Những cây “cầu khỉ” trên tuyến kênh K3A Thanh Nhàn chưa biết bao giờ mới bị “khai tử”.


Tràn lan "cầu khỉ"

Giữa phố Thái Hà, đoạn từ số nhà 224 đến 250, người dân vẫn phải đi lại qua những cây "cầu khỉ" bắc qua đoạn cống lộ thiên quanh năm bốc mùi để vào nhà. Đoạn đường ngắn vài trăm mét này hiện tồn tại tới 4 - 5 cây "cầu khỉ". Cây cầu lớn nhất ô tô có thể dễ dàng qua lại, cây cầu nhỏ nhất đang là một thân cây bắc ngang qua cống được gia cố tạm bợ để dành cho những thanh niên địa phương ưa mạo hiểm. Những hôm mưa to như mấy ngày trước, nước ùn ùn đổ về sông Tô Lịch, hồ Hoàng Cầu, đoạn mương trên còn có cá bơi lạc dòng và những cây "cầu khỉ" Thái Hà trở thành nơi câu cá lý tưởng.

Còn trên tuyến đường Thanh Nhàn, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, dù phía đầu đường giáp với ngã tư Kim Ngưu các đơn vị thi công đang tiến hành kiên cố hóa kênh mương, khai tử nhiều chiếc "cầu khỉ" nhưng vẫn còn tồn tại hàng chục chiếc cầu dạng này. Trước khu vực số nhà từ 25 đến 31 Thanh Nhàn là hàng chục "cầu khỉ". Vừa là nơi đi lại, những cây cầu này còn được tận dụng là nơi trưng biển quảng cáo "cơm bình dân", "bia hơi", "đá ốp lát"… Hoạt động đi lại và kinh doanh vẫn diễn ra hằng ngày trên những cây "cầu khỉ" mục nát, dựng tạm bợ dù ngay sát đó công trường thi công kiên cố hóa kênh mương đã đến gần.

Một trong những nơi hiện diện nhiều "cầu khỉ" nhất nội thành Thủ đô có lẽ ở khu vực mương Gạo, chảy qua địa giới hai quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai. Gọi là mương cho oai chứ thực ra đây là một đoạn cống lộ thiên có công năng là nơi tiêu thoát nước quan trọng của thành phố. Khu vực trên dĩ nhiên tồn tại nhiều "cầu khỉ", có cái xây kiên cố và tạo nhịp cong cho đẹp được gọi là cầu cong, còn có cái chỉ là mấy tấm tre bắc qua nên được người dân gọi là cầu tạm… Chỉ tính riêng đoạn mương gần 1,5km qua địa bàn phường Vĩnh Tuy, theo thống kê thì hiện nay dọc mương Gạo có gần chục cây "cầu khỉ" trong đó có khoảng 3-4 cây cầu bê tông, còn lại là cầu làm bằng tre, nứa, gỗ và sắt… Anh Trần Văn Huân - cán bộ đô thị UBND phường Vĩnh Tuy cho biết, mương Gạo dài khoảng 1,5km nhưng chỉ có khoảng 800m nằm trong khu dân cư và có người dân thường xuyên qua lại. Do nhu cầu đi lại, người dân đã tự ý dựng cầu bắc qua mương, có cây cầu tồn tại đã hàng chục năm. UBND phường đã thống kê, những cây cầu này có ba nguồn gốc, do người dân tự phát làm, tổ dân phố đứng ra xây dựng và lịch sử để lại.

Quyết liệt hơn để xóa bỏ "cầu khỉ"

Chưa khi nào việc kiên quyết xóa bỏ "cầu khỉ" được triển khai quyết liệt như hiện nay. Nhất là khi "cầu khỉ" và mương thối đang làm xấu đi hình ảnh đô thị hiện nay. Ông Nguyễn Thao Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liệt, quận Đống Đa cho biết, liên tục trong nhiều năm qua, năm nào địa phương cũng tiến hành vài đợt chỉnh trang đô thị, nhiều lần vận động và tổ chức cưỡng chế giải tỏa "cầu khỉ" tồn tại trên mương IF Thái Hà. "Vừa rồi chúng tôi cùng với Xí nghiệp Thoát nước môi trường số 4 ra quân xử lý cầu tạm trên địa bàn đã tồn tại từ lâu. Hiện chỉ còn 1-2 cây cầu đi bộ và người dân xin tự tháo dỡ." - ông Hùng khẳng định. Cũng theo ông Hùng, cái khó trong việc xử lý cầu tạm trên tuyến phố Thái Hà liên quan đến 3 đơn vị quản lý. Vỉa hè phố thuộc địa giới hành chính của phường Láng Hạ, kênh mương IF thuộc quản lý của Xí nghiệp Thoát nước môi trường số 4, còn khu dân cư mới thuộc địa bàn phường Phương Liệt. Đấy là chưa kể đến việc, con mương này đã được cắm biển báo dự án làm nơi khai thác điểm đỗ xe do Công ty cổ phần Taxi Hà Nội làm chủ đầu tư đến nay vẫn đắp chiếu. Trong lần chỉnh trang đô thị cuối tháng 8 vừa qua, UBND phường đã gửi giấy mời các đơn vị liên quan tham gia họp và triển khai, trong đó có chủ đầu tư, nhưng đơn vị này không đến… Có lẽ cũng vì lý do này mà những cây "cầu khỉ" tồn tại trên đoạn cống lộ thiên vài chục mét đầu ngã tư Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua. Ở khu vực này, vỉa hè thì thuộc UBND phường Ngọc Khánh quản lý, số nhà thì thuộc địa giới hành chính phường Giảng Võ và lòng kênh lại của đơn vị thoát nước.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai quận Hai Bà Trưng cho biết, những cây cầu tạm này nằm trên tuyến mương K3A (còn gọi là mương Thanh Nhàn), bây giờ thì chưa thống kê lại, nhưng trước kia có khoảng 11 cái, chủ yếu do các hộ dân tự làm để đi lại. Tháng 12-2012, UBND phường đã bàn giao cho hai đơn vị thực hiện dự án kiên cố hóa. Làm đến đâu, đơn vị thi công rào lại đến đó, buộc người dân phải đi lối phía sau. Cũng theo bà Hạnh, từ những năm 2003-2004, phường Quỳnh Mai đã tiến hành giải tỏa nhưng người dân xin nên bên Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước vẫn để cho một số hộ dân sử dụng cầu tạm để ra vào nhà… Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, UBND phường cũng như người dân trên phố Thanh Nhàn luôn mong muốn dự án kiên cố hóa tuyến kênh K3A hoàn thành đúng tiến độ thi công để cải thiện cảnh quan môi trường, xóa bỏ những cây "cầu khỉ" mất an toàn.

Mong muốn này cũng được bà Hoàng Thị Bích Diệp, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng thể hiện qua việc thông báo về tình trạng giải phóng mặt bằng để triển khai việc bê tông hóa mương Gạo: "Hiện đã có dự án bê tông hóa mương Gạo. Dự án này được giao cho Công ty TNHH Thành Đạt thực hiện. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đạt khoảng 75% (3/4 khối lượng công việc)".

Trao đổi với phóng viên, bà Diệp khẳng định, năm nào UBND phường Vĩnh Tuy cũng tổ chức các đợt chỉnh trang đô thị và xóa bỏ các cây cầu tự phát. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng đi khỏi, các hộ dân lại tự ý dùng tấm ván, thậm chí là mấy cây tre bắc qua mương mở lối đi, gây mất mỹ quan đô thị. Tới đây, dự án bê tông hóa mương Gạo hoàn thiện, tình trạng "cầu khỉ" sẽ bị xóa triệt để.

Từ đầu năm 1998, Hà Nội đã triển khai Dự án thoát nước bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng trong nước với tổng chi phí cho 2 giai đoạn ước tính khoảng 1,2 tỷ USD. Ở cả hai giai đoạn đều có các gói thầu cải tạo cầu, cống trên kênh, mương thoát nước. Khi giai đoạn 1 kết thúc năm 2005 với 16 gói thầu, Ban quản lý dự án thoát nước khẳng định, nội thành Hà Nội sẽ chống chịu được những trận mưa có cường độ 86mm/ngày. Giai đoạn 2 đang triển khai và dự kiến hoàn tất năm 2013 sẽ giúp Thủ đô "đỡ" được trận mưa hơn 310mm/2 ngày. Hoàn tất dự án vào cuối năm nay cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ vĩnh viễn những cây "cầu khỉ" và con mương thối. Dù đang triển khai với khối lượng lớn công việc trên phố Nguyên Hồng, Thanh Nhàn… và đã đi vào hoàn thiện trên tuyến phố Thái Thịnh được người dân hết sức hoan nghênh, nhưng rõ ràng việc kiên cố hóa mới tập trung nhiều vào những tuyến sông nội đô lớn như Tô Lịch, Kim Ngưu và một số tuyến mương chính. Và, hình ảnh những cây cầu khỉ vẫn tồn tại nhan nhản trên nhiều tuyến phố.

Trong quá trình tìm hiểu thực hiện bài viết, chúng tôi nhận thấy việc xóa bỏ "cầu khỉ" tại các phường, xã vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt, phần lớn vẫn chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ, do đó chưa đem lại hiệu quả tích cực. Để xóa bỏ hoàn toàn thực trạng này, thiết nghĩ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa UBND các phường với các đơn vị như: thoát nước, GTVT...

Triệu Dương