Đại lộ Thăng Long: Thí điểm công nghệ thu phí, quản lý hiện đại
Kinh tế - Ngày đăng : 08:03, 14/09/2013
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc xây dựng đề án thí điểm quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long là hết sức cấp thiết, đồng thời làm cơ sở để mở rộng mô hình quản lý giao thông hiện đại theo mạng trên các tuyến đường cao tốc khác, các tuyến đường trục chính đô thị, đường vành đai, đường quốc lộ hướng tâm và toàn bộ mạng lưới đường trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, thành phố sẽ tổ chức thu phí tại Đại lộ Thăng Long nhằm hoàn vốn đầu tư từ ngân sách, tạo nguồn thu tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường khác trên địa bàn. Việc thu phí này không trùng lắp với việc thu phí để bảo trì hệ thống đường bộ theo quy định tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ.
Theo dự thảo đề án Đầu tư xây dựng Trung tâm Quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long, Sở GTVT sẽ thành lập "Trung tâm quản lý đường cao tốc Hà Nội", trước mắt quản lý khai thác Đại lộ Thăng Long. Theo đó, trên tuyến đường này sẽ áp dụng hệ thống đếm, phân loại phương tiện giao thông tự động có khả năng phát hiện và ghi lại tất cả các loại phương tiện đang di chuyển trên đường cao tốc; hệ thống camera giám sát (CCTV) gồm 56 máy quay dùng cho việc giám sát các hoạt động giao thông diễn ra trên truyến; hệ thống bảng báo hiệu tự động (VMS) cung cấp các thông tin xác thực trên tuyến đường tới người điều khiển phương tiện; hệ thống truyền dữ liệu DTS bảo đảm kết nối toàn bộ các thiết bị trong hệ thống; trung tâm điều hành là trụ sở làm việc và điều hành hoạt động của Trung tâm quản lý đường cao tốc; trạm thu phí bằng phần mềm quản lý giao thông thông minh ATMS... Trong giai đoạn đầu, hệ thống thu phí đường cao tốc sẽ sử dụng hai hình thức là giao dịch thu phí với thiết bị điện tử (ETC) và giao dịch thu phí có người kiểm soát (MTC) để thực hiện thu phí qua thẻ và có thể thu phí tiền mặt trong giai đoạn chuyển tiếp. Về lâu dài sẽ bỏ việc thu phí dùng tiền mặt. Hạng mục thu phí sẽ triển khai đồng bộ với các hạng mục quản lý giao thông thông minh khác và có thể thực hiện xã hội hóa để giảm chi cho ngân sách. Nhà đầu tư được quyền tổ chức thu phí tuyến đường trong thời gian nhất định để hoàn vốn và có lãi. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến khoảng 156,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 87,7 tỷ đồng; số còn lại là xã hội hóa. Sở GTVT đề nghị triển khai chuẩn bị đầu tư trong năm 2013, hoàn thành đầu tư vào năm 2014 để năm 2015 vận hành công tác quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ này.
Tại cuộc họp nghe báo cáo đề án mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, việc xây dựng đề án thí điểm hệ thống giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long là cần thiết. Tuy nhiên, đây là mô hình đầu tiên, nên cần có lộ trình, bảo đảm hài hòa, đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, vận hành, bảo đảm hiệu quả, văn minh, tạo thành trung tâm điều hành mẫu để sau này áp dụng, lập các trung tâm quản lý, điều hành giao thông trên các tuyến đường cao tốc khác, đường sắt đô thị… để trên cơ sở đó trong tương lai thành phố lập Trung tâm quản lý, điều hành mạng lưới giao thông tập trung, tương xứng với một Thủ đô phát triển hiện đại, văn minh. Đối với chủ trương thu hút các nguồn lực xã hội hóa về quảng cáo trên trục Đại lộ này nhằm tạo nguồn thu nuôi bộ máy quản lý điều hành, thành phố chấp thuận về nguyên tắc nhưng việc triển khai phải bảo đảm an toàn giao thông, trong đó chú trọng tuyên truyền, giới thiệu các hình ảnh, thành tựu… của Thủ đô và đất nước, để Đại lộ Thăng Long không chỉ là con đường được quản lý hiện đại, mà còn làm đẹp cửa ngõ vào trung tâm Thủ đô.