Nhiều doanh nghiệp sẽ được xóa nợ
Tài chính - Ngày đăng : 08:01, 14/09/2013
Khách hàng giao dịch tại Chi cục Thuế Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế của toàn ngành tính đến cuối tháng 6-2013 là 64.632 tỷ đồng, trong đó nhóm nợ khó thu chiếm tỷ trọng 13,2%. Số nợ thuế khó thu hồi tăng cao là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều trường hợp người nộp thuế (NNT) do gặp khó khăn đã ngừng kinh doanh, giải thể, nhưng không có khả năng thanh toán số tiền nợ thuế, tiền phạt. Những khoản nợ này tồn đọng qua nhiều năm và hầu như khó có khả năng thu hồi vào ngân sách.
Để xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế, Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo Thông tư hướng dẫn xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007. Theo quy định, đối tượng được xem xét xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007 gồm: Hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước thời điểm nêu trên đã ngừng kinh doanh, gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ; DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt (phát sinh trước ngày 1-7-2007); DNNN đã thực hiện cổ phần hóa, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập pháp nhân mới, còn nợ tiền thuế, tiền phạt (phát sinh trước ngày 1-7-2007) mà các khoản tiền thuế, tiền phạt này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị DN cổ phần hóa hoặc khi chuyển thành công ty cổ phần; DNNN thực hiện giao, bán đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt (phát sinh trước ngày 1-7-2007) mà khoản tiền thuế, tiền phạt đó không được tính vào giá trị DN để giao, bán.
Theo tính toán của các cục thuế địa phương, số trường hợp được xóa nợ theo chủ trương của Bộ Tài chính khá lớn, nhưng số tiền thuế nợ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 0,2%/tổng thu NSNN. Hai nhóm đối tượng được xóa nợ thuế theo quy định này là hơn 500.000 hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1-7-2007, gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh. Trong đó, có hàng chục nghìn hộ đánh bắt hải sản bị ảnh hưởng của các cơn bão lớn đã bị mất tàu thuyền với số tiền thuế, tiền phạt còn nợ chiếm gần 0,1% trong tổng NSNN. Bên cạnh đó có gần 1.400 trường hợp DNNN đã giải thể, cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1-7-2007 với số tiền thuế chiếm hơn 0,1%/tổng thu NSNN.
Theo dự thảo, tiền thuế được đề xuất xóa gồm: thuế môn bài, doanh thu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (trừ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Tiền phạt được đề xuất xóa gồm: Phạt chậm nộp, phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Khi xóa tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 1-7-2007 thì được xóa khoản tiền phạt chậm nộp phát sinh từ khoản nợ thuế được xóa. |
Rõ ràng, thời gian qua việc phải theo dõi hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân và DN nợ thuế nhưng không có khả năng thu dẫn đến nhiều vướng mắc trong công tác quản lý thuế. Tại những địa bàn có số hộ gia đình, cá nhân thuộc các trường hợp nợ thuế chiếm tỷ trọng lớn đã tạo ra gánh nặng trong công việc hằng ngày, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Vì thế, việc xóa được các khoản nợ thuế trước 1-7-2007 tuy không lớn, nhưng sẽ giúp cho cơ quan thuế có điều kiện tập trung nguồn nhân lực đôn đốc thu kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản nợ đọng lớn, góp phần hoàn thành dự toán thu NSNN.
Trước ý kiến lo ngại về việc khi xóa các khoản nợ thuế không có khả năng thu, một số DN, người nộp thuế sẽ có tâm lý kéo dài nợ thuế, nợ phạt để chờ được xóa nợ, gây khó khăn cho cơ quan thuế, nhưng đại diện ngành thuế cho rằng, Luật Quản lý thuế đã quy định, người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời trao cho cơ quan thuế quyền hạn, trách nhiệm trong việc đôn đốc thu tiền thuế phát sinh đã kê khai phải kịp thời nộp vào NSNN. Với các trường hợp nợ thuế kéo dài, cố tình không nộp thuế theo quy định, cơ quan chức năng sẽ thực hiện cưỡng chế.
Theo tính toán của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế, tiền phạt dự kiến được xóa theo quy định chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu NSNN. Tuy nhiên, khi xây dựng dự thảo thông tư, Bộ Tài chính đã quy định cụ thể hồ sơ, thủ tục, trình tự giải quyết xóa nợ tiền thuế, tiền phạt để tránh tình trạng lợi dụng, chiếm dụng tiền thuế. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ thuế, đầu tháng 8-2013, Tổng cục Thuế đã phê duyệt đề án sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý nợ thuế. Dự kiến, đến hết quý I-2014, đề án sẽ hoàn thành sau khi lấy ý kiến đóng góp, xây dựng của các đơn vị liên quan. Trong thời gian hoàn thiện đề án, Tổng cục Thuế sẽ ban hành công văn hướng dẫn tạm thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nợ thuế.