Bảo vệ trẻ em trước đồ chơi bạo lực: Quan trọng nhất vẫn là giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 07:42, 14/09/2013
"Nhân nào quả ấy"
Theo PGS - TS Trần Thu Hương, Phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồ chơi bạo lực ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Cụ thể: Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có một khí chất nhất định, dưới tác động của điều kiện gia đình, môi trường, khí chất ấy sẽ phát triển theo một hướng nào đó. Nếu phụ huynh cho trẻ chơi đồ chơi hợp lý thì sẽ giúp tăng cường phát triển yếu tố tốt trong khí chất, giúp con phát triển tốt về mặt tâm lý. Nhưng nếu cho trẻ chơi những đồ chơi bạo lực thì sẽ vô tình định hình nên một xu hướng phát triển xấu. Bởi lẽ, khi trẻ tham gia vào mối quan hệ với đồ chơi, chúng sẽ học cách ứng xử và các mối quan hệ ở trong đó rồi đem ứng dụng vào cuộc sống thực. Trên thực tế, trẻ bắt đầu phát triển nhân cách từ 3 tuổi, thậm chí sớm hơn. Trong độ tuổi này, nếu phụ huynh cho trẻ chơi đồ chơi bạo lực thì trẻ dễ học theo các hành vi bạo lực và hình thành nên tính gây hấn. "Càng chơi nhiều đồ chơi bạo lực bao nhiêu thì tính gây hấn của trẻ càng lớn bấy nhiêu và dần dần đây sẽ trở thành một đặc điểm trong nhân cách của trẻ", TS Trần Thu Hương nhận định.
Nhiều loại đồ chơi bạo lực được bày bán công khai trên nhiều tuyến phố. Ảnh: Thu Giang |
Theo các nhà nghiên cứu, hậu quả của việc chơi đồ chơi bạo lực là rất lớn. Đặc biệt, đồ chơi hiện nay được sản xuất theo các bộ phim hoạt hình, do đó trẻ vừa được xem ti vi vừa ứng dụng vào trong trò chơi, góp phần thúc đẩy nhanh chóng hành vi gây hấn của trẻ. Do đó, nếu người lớn không có biện pháp điều chỉnh thì càng về sau tính gây hấn ở trẻ càng phát triển mạnh, dẫn đến việc cứ mỗi khi tham gia một mối quan hệ nào đó thì tính gây hấn thường trực sẽ chỉ huy hành động cũng như suy nghĩ của trẻ.
Nên cho con chơi thế nào?
Theo quan sát, thị trường đồ chơi Trung thu năm nay không khác nhiều so với các năm trước và vẫn có nhiều đồ chơi bạo lực. Sở dĩ có tình trạng này bởi vì nhiều bậc phụ huynh vẫn thích mua những đồ chơi đó cho con, đặc biệt là thường mua cho trẻ trai từ 3 đến 5 tuổi. Thực tế cho thấy, ở những gia đình bố mẹ có trình độ học vấn cao thì họ thường mua tặng con các đồ chơi thúc đẩy tư duy sáng tạo. Còn những gia đình phải lao động chân tay nhiều, hay những gia đình ít có thời gian dành cho con thì thường chiều con và mua cho chúng bất kỳ đồ chơi nào chúng thích, trong đó rất nhiều phụ huynh đã mua cho con chơi đồ chơi bạo lực. Làm cách nào để giảm đồ chơi bạo lực trên thị trường hiện đang là một bài toán khó.
Trước tình trạng đồ chơi bạo lực tràn lan và không dễ ngăn chặn, cách duy nhất để bảo vệ trẻ là giáo dục cho chúng cách chơi. Theo TS Trần Thu Hương, có thể vẫn cho trẻ chơi trò chơi ấy nhưng bố mẹ phải dạy trẻ hạn chế tính bạo lực. Ví dụ, khi trẻ chơi trò đấu xe ô tô, do trẻ không biết tiết chế hành vi cảm xúc nên chúng nghĩ càng cho xe đâm mạnh vào nhau càng tốt thì bố mẹ phải nhắc trẻ không được chơi như vậy, mà nên chơi theo cách 2 ô tô làm bạn với nhau. Tức là bố mẹ phải dành thời gian chơi với trẻ, hướng dẫn trẻ cách chơi thế nào để tăng mối quan hệ thân thiện, tiết giảm mối quan hệ bạo lực hay hành vi gây hấn. Bên cạnh đó, có thể cho trẻ chơi xếp hình, lắp ghép để thúc đẩy tư duy hoặc hướng trẻ vào những trò chơi đóng vai bác sĩ, nấu ăn, bán hàng…
Một biện pháp khác để giảm thiểu tính bạo lực là cho trẻ chơi các trò chơi dân gian, đưa chúng tham gia vào một tập thể và đương nhiên hành vi của trẻ sẽ theo chiều hướng của tập thể. Các trò chơi truyền thống như bấu nụ xòe hoa, làm pháo bằng đất sét, chơi nhảy lò cò… đều mang tính tập thể và tiết giảm rất nhiều tính bạo lực, vì chơi tập thể là phải có thỏa thuận và để bảo đảm tính thỏa thuận ấy thì phải không có tính gây hấn. Nhưng trong thực tế hiện nay, việc tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ không dễ, bởi nhịp sống thời hiện đại khiến chúng không có nhiều thời gian chơi mà các bậc phụ huynh hiện cũng đang quá chú trọng việc phát triển tính cá nhân của trẻ. Đây cũng là lý do khiến các trò chơi dân gian thường chỉ được tổ chức vào những dịp hội hè.