Tăng trách nhiệm HĐND trong quản lý ngân sách địa phương: Mục tiêu là chống thất thu
Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 14/09/2013
Đẩy mạnh rà soát, phân loại các khoản nợ để có biện pháp thu đủ, thu đúng đối với các cá nhân, doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách thời gian tới. Ảnh: Thái Hiền |
Năm 2013, Hà Nội được Chính phủ giao thu ngân sách cả năm 162.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn thành phố mới thực hiện được 79.994 tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán. Theo tính toán của UBND thành phố, ước tính, cả năm nay tổng thu NSNN được khoảng 120.672 tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán HĐND thành phố giao. Trước thực tế Hà Nội có khả năng hụt thu ngân sách hơn 40 nghìn tỷ đồng, các đại biểu HĐND nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và khẳng định, trước mắt nếu không kiên quyết đẩy mạnh các biện pháp thu và chống thất thu ngân sách thì khả năng hụt thu hoàn toàn có thể xảy ra.
Cho rằng, việc tính dự toán thu ngân sách tại địa phương có lúc chưa sát, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Trần Thị Thanh Nhàn dẫn chứng, trên địa bàn quận có những gia đình cho thuê năm, bảy phòng trọ hay kinh doanh xe vận tải đều có lợi nhuận nhưng không phải nộp bất cứ đồng thuế nào. Để chống thất thu, theo bà Nhàn, trước hết cần tính đúng, tính đủ các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp trong diện phải nộp thuế, tránh bỏ sót, lọt. Bên cạnh đó, các đại biểu HĐND cũng đề nghị thành phố lưu ý tới các khoản thu từ tiền thuê đất đối với các trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước theo quy định hoặc tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố cần tập trung rà soát, phân loại các khoản nợ để có biện pháp thu phù hợp, hạn chế mức thấp nhất phát sinh nợ mới, nhất là không để doanh nghiệp lợi dụng chính sách giãn, hoãn thuế lúc khó khăn để chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...
Theo quy định của Luật NSNN năm 2002, HĐND có vai trò quan trọng trong quản lý ngân sách địa phương, trong đó thể hiện rõ nhất ở chức năng quyết định và giám sát. Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế tại địa phương, HĐND các cấp sẽ quyết định dự toán thu, chi, phân bổ ngân sách, quyết định các chủ trương, biện pháp thực hiện hay điều chỉnh ngân sách khi cần thiết.
Tuy nhiên, qua đánh giá của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, không phải lúc nào HĐND các địa phương đã làm tốt, làm đúng nhiệm vụ của mình trong quản lý ngân sách địa phương. Có lúc, có nơi công tác giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Đáng chú ý, trong hoạt động thẩm tra quyết toán còn có tâm lý "việc đã rồi" nên ít địa phương quan tâm, rút kinh nghiệm cho công tác thực hiện dự toán ngân sách các năm tiếp theo. Vì vậy, để công tác quản lý ngân sách đi vào nền nếp, trách nhiệm của HĐND các cấp là vô cùng quan trọng. Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Hoàng Trọng Quyết, cần có sự chủ động phối hợp giữa HĐND và UBND khi chuẩn bị, xây dựng dự toán trên cơ sở phân bổ, giao chỉ tiêu của thành phố để triển khai thực hiện. Thường trực, các ban HĐND phải tham gia ý kiến ngay từ quá trình chuẩn bị của UBND trong xây dựng dự toán, phân bổ, thực hiện và kịp thời xử lý điều chỉnh khi có biến động từ thực tiễn.
Nhấn mạnh vai trò giám sát của HĐND trong quản lý ngân sách, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Phạm Hùng Vĩ cho rằng đây là một việc khó, nhạy cảm nhưng nếu triển khai bài bản vẫn mang lại hiệu quả. Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên dẫn chứng, thời gian qua, từ giám sát của HĐND huyện trên lĩnh vực ngân sách đã kịp thời phát hiện tại một xã có hiện tượng bỏ ngoài sổ sách, quyết toán sai nhiều khoản. Đoàn đã ra kết luận giám sát, HĐND huyện đã yêu cầu UBND kiểm tra, làm rõ
và quyết định cách chức chủ tịch UBND xã đó. Ngoài ra, qua giám sát HĐND huyện cũng đã kịp thời chấn chỉnh một số xã ký hợp đồng với cán bộ bán chuyên trách tùy tiện, vượt số lượng quy định, mức thù lao cao và ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương.
Khẳng định trách nhiệm của HĐND, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, thực hiện quyền về quản lý ngân sách địa phương là thể hiện yếu tố thực quyền, vai trò, vị thế của HĐND các cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc quyết định đúng và duy trì quản lý ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm công khai minh bạch là hết sức cần thiết. Do vậy, dù đây là việc khó, phức tạp song không thể không làm. Chủ tịch HĐND thành phố lưu ý thường trực, các ban HĐND các cấp cần chủ động hơn trong quá trình phối hợp, xây dựng kế hoạch, thẩm tra, quyết định và giám sát ngân sách. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của HĐND trong giám sát là việc làm thường xuyên; chú trọng xử lý những vấn đề sau giám sát để khắc phục những vướng mắc, thiếu sót, bảo đảm công tác quản lý ngân sách đi vào nền nếp, hiệu quả.