Philippines: Bất ổn lan rộng

Thế giới - Ngày đăng : 07:20, 14/09/2013

(HNM) - Chưa đầy một năm kể từ khi Chính phủ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Tổ chức Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đạt được một thỏa thuận hòa bình lịch sử những ngày qua an ninh tại khu vực đầy bất ổn này lại tiếp tục nóng lên.

Quân đội Philippines được tăng cường tại khu vực miền Nam.



Bạo lực bùng phát từ ngày 9-9 tại thành phố cảng miền Nam Zamboanga sau khi đụng độ xảy ra giữa quân đội chính phủ với hàng trăm tay súng thuộc Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) - tổ chức tiền thân của MILF - khiến hàng chục người thiệt mạng và hơn một trăm người vẫn đang bị bắt giữ làm con tin. Không chỉ các trường học, cơ sở kinh doanh, dịch vụ… phải đóng cửa khi người dân đi lánh nạn, bạo lực bùng phát chưa có dấu hiệu chấm dứt khiến Chính phủ Philippines phải ban bố lệnh giới nghiêm từ 8h tối đến 5h sáng tại thành phố cảng sầm uất gần 1 triệu dân này.

Cùng với ý định bất thành khi treo một lá cờ nhằm đòi ly khai tại tòa thị chính thành phố Zamboanga, trong suốt 48 giờ qua, các chiến binh của MNLF tiếp tục tấn công tỉnh đảo Basilan - tỉnh thứ hai ở miền Nam Philippines, nằm cách Zamboanga khoảng 30km. Tình hình an ninh ngày một trở nên nghiêm trọng hơn khi mọi nỗ lực đàm phán của giới chức lãnh đạo hai địa phương này với các thủ lĩnh của MNLF chưa mang lại kết quả nào.

Được Giáo sư Đại học Nur Misuari thành lập vào đầu thập niên 1970 với đa số thành viên là người Hồi giáo, MNLF là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ tấn công bạo lực hơn 4 thập niên qua khiến hơn 150 nghìn người thiệt mạng. Năm 1976, cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã làm trung gian đàm phán giữa Chính phủ Philippines và thủ lĩnh MNLF Nur Misuari để ký kết Hiệp định Tripoli MNLF-GRPH - mà theo đó MNLF chấp thuận đề nghị của chính phủ về quyền bán tự trị cho khu vực tự trị Hồi giáo Mindanao (ARMM) - do ông Misuari đứng đầu. Thế nhưng, thỏa thuận này đã gây rạn nứt nghiêm trọng trong giới lãnh đạo MNLF, dẫn đến sự ra đời của MILF năm 1984. Đến năm 1996, MNLF tiếp tục ký một thỏa thuận hòa bình từ bỏ hoàn toàn vũ khí với chính quyền của cựu Tổng thống Fidel Ramos để đổi lại việc thành lập Khu tự trị Hồi giáo ở miền Nam Philippines. Tuy nhiên, trên thực tế MNLF không thực hiện cam kết này khi liên tục gây ra các vụ tấn công bạo lực tại miền Nam.

Ngay sau khi nhậm chức năm 2010, Tổng thống Benigno Aquino đã ấp ủ nguyện vọng đạt thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn với đối tác chính là MILF - chứ không phải là MNLF - để hình thành một "Thực thể chính trị Bangsamoro", thay thế ARMM trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016. Tháng 10 năm ngoái với sự giúp đỡ của Chính phủ Malaysia và Trung tâm Đối thoại nhân đạo - một tổ chức trung gian hòa giải độc lập có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) - thỏa thuận bước ngoặt giữa Chính phủ Philippines và MILF đã được ký kết sau 15 năm đàm phán. Theo thỏa thuận này, người dân thuộc "Nhà nước Bangsamoro" sẽ xây dựng luật cơ bản và bầu ra chính phủ cho khu vực bán tự trị của mình, trong khi lực lượng vũ trang MILF phải chấm dứt hoạt động và từng bước chuyển giao việc thực thi pháp luật cho cảnh sát địa phương.

Song, thỏa thuận bước ngoặt trên giữa Chính phủ Philippines và MILF lại "chọc giận" MNLF và bị thủ lĩnh Nur Misuari cáo buộc là bất hợp pháp vì vi phạm thỏa thuận năm 1996 giữa Manila và MNLF đã được Liên hợp quốc công nhận. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc gạt MNLF ra khỏi tiến trình đàm phán hòa bình tại khu vực miền Nam Philippines là nguyên nhân sâu xa của vụ bạo động đang xảy ra. Cuộc tấn công ở cả hai thành phố Zamboanga và Basilan được xem là sự phản kháng của MNLF nhằm phá hoại tiến trình đi đến "Thực thể chính trị Bangsamoro".

Tình hình an ninh tại khu vực miền Nam Philippines đang trải qua những ngày hết sức căng thẳng. Chính phủ chưa có kế hoạch tái chiếm các khu vực nằm trong tay phiến quân khi các tay súng của MNLF vẫn đang giữ các con tin làm lá chắn sống. Song, chính quyền của Tổng thống B.Aquino đã tính đến khả năng sẽ dùng vũ lực giải quyết khủng hoảng đang có nguy cơ lan rộng. Nhằm trấn an dư luận, trong một phát biểu mới nhất Người phát ngôn Phủ Tổng thống Edwin Lacierda khẳng định, các lực lượng vũ trang nước này đã sẵn sàng giải quyết xung đột. Khi số phận của hơn một trăm con tin chưa được "định đoạt", người dân Philippines đang trông đợi những giải pháp hữu hiệu được Manila đưa ra để sớm lập lại trật tự ở khu vực.

Đình Hiệp