Đi lên từ hai bàn tay trắng
Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 13/09/2013
Với Vũ Thái Sơn, đạo đức kinh doanh luôn đặt lên hàng đầu. |
Vũ Thái Sơn sinh năm 1962 tại quận Ba Đình (Hà Nội), làm việc tại một cơ quan quản lý nhà nước ở Thủ đô từ năm 1984. 4 năm sau, như là duyên phận, anh được cơ quan điều vào TP Hồ Chí Minh công tác. "Chặng đường đầu vào mảnh đất phương Nam này khó khăn lắm, lương vợ chồng chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Đến khi đứa con đầu lòng ra đời thì khó khăn gấp bội" - Nhâm nhi từng ngụm trà xanh, anh kể lại những ngày tháng cơ cực. Năm 1991, Vũ Thái Sơn quyết định chuyển sang làm phiên dịch viên cho Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hạt điều và hàng nông sản thực phẩm TP Hồ Chí Minh (Vinalimex). Chính trong thời gian này, anh tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về mối quan hệ với các bạn hàng nước ngoài cũng như kiến thức về hạt điều. Đến năm 1994, Sơn có quyết định rất táo bạo khi mở Công ty TNHH Thạnh Sơn chuyên tư vấn môi giới hạt điều. "Thời điểm đó, ở nước ta hầu như chỉ có khái niệm công ty nhà nước với mọi ưu đãi còn công ty tư nhân thì chịu nhiều thiệt thòi lắm..." - Anh chia sẻ. Nhưng chính sự thiệt thòi lại "kích" sự vươn lên của người trai Hà Nội ấy. Bằng mọi cách, mọi nỗ lực, Vũ Thái Sơn đã đưa công ty tư nhân của mình vươn xa hơn nhiều công ty chỉ trông chờ "bầu sữa" Nhà nước lúc bấy giờ. Năm 2000, thay vì chỉ làm môi giới, anh lập Công ty cổ phần Long Sơn, chuyên sản xuất và xuất khẩu hạt điều (KCN Tân Bình, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Đến nay, công ty trở thành doanh nghiệp sản xuất hạt điều lớn, mỗi năm bán trong nước và xuất khẩu trên 20.000 tấn hạt điều. Năm 2012, Công ty cổ phần Long Sơn trở thành 1 trong 500 doanh nghiệp tiêu biểu của cả nước.
Để có được thành công như ngày hôm nay mấy ai biết được Vũ Thái Sơn đã có nhiều đêm mất ngủ, phải xa vợ, con. Đặc biệt năm 1998, công ty đã đứng bên bờ vực phá sản khi giá cả hàng hóa rớt thê thảm, không bán được... nợ lương công nhân hàng tháng trời. Nhưng chính những lúc nguy ngập đó, trong người con trai Hà Nội ấy lại bùng lên sức sống mãnh liệt, tìm đủ mọi phương cách, huy động mọi nguồn lực, trắng ngày trắng đêm tìm cách lèo lái "con thuyền Long Sơn" vượt qua bao thác ghềnh. Bây giờ, Công ty CP Long Sơn đã có trên 5.000 công nhân đang làm việc với 10 nhà máy và chi nhánh từ Hà Nội đến Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... doanh thu năm 2011 và 2012 đạt 1.500 tỷ đồng. Không chỉ chú trọng kinh doanh, hàng năm công ty của anh luôn dành một khoản kinh phí tới 500 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi các cựu chiến binh, tài trợ các chương trình học bổng…
"Để có được thành công hôm nay, người mình luôn chịu ơn tận sâu đáy lòng là bố và vợ. Bố dạy cho mình cách sống tự lập, cách tạo mối quan hệ, cách thuyết phục nhân viên, khách hàng, tính biện chứng, lô gíc và phân tích vấn đề, tính gương mẫu của người đứng đầu... Còn vợ là cánh tay phải và là hậu phương vững chắc, hiện đang cùng mình quản lý công ty. Bên cạnh đó, ngoài kinh nghiệm thương trường, yếu tố quan trọng là phải biết vận dụng các kiến thức văn học, lịch sử, kiến trúc, âm nhạc khi trò chuyện bên lề với khách hàng. Điều này sẽ chinh phục khách hàng, khiến họ trở nên rất thân thiết, gần gũi với mình. Mặt khác phải luôn giữ cái chất của "sĩ phu Bắc Hà", tiền bạc không quan trọng bằng chữ tín, bằng danh dự, phải luôn giữ đúng cam kết với khách hàng dù hoàn cảnh nào" - Vũ Thái Sơn chia sẻ bí quyết thành công.
Bây giờ, dù công việc bận rộn, sống trong vòng xoáy của thành phố sôi động nhất cả nước, nhưng hằng năm vợ chồng Vũ Thái Sơn vẫn tranh thủ về thăm Thủ đô. "Mỗi lần về thăm quê, ký ức Hà Nội những năm tháng tuổi thơ lại dội về. Mình còn nhớ, khi mẹ dẫn mình qua đường thì chú xe tải dừng lại và nhẹ nhàng bảo chị và cháu đi đâu đấy, lên xe tôi chở đi luôn. Hà Nội hồi đó đẹp lắm, yên tĩnh lắm, cuộc sống trôi chậm lắm" - Giọng Vũ Thái Sơn nghe thật bồi hồi!