Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo: Tự làm mất khả năng cạnh tranh!
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:06, 13/09/2013
Nếu như năm 2006 xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt gần 4,69 triệu tấn, trị giá 1,195 tỷ USD thì đến năm 2010 đạt gần 6,8 triệu tấn, trị giá gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2012 xuất khẩu gạo đạt kỷ lục với 8,1 triệu tấn nhưng giá trị mang về cũng chỉ gần 3 tỷ USD. Nguyên nhân giá trị giảm là do giá gạo thế giới sụt giảm, tuy nhiên có một thực tế là gạo xuất khẩu Việt Nam luôn phải "ngước nhìn" giá của các nước khác!
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: Chí Lâm |
Năm nay, tình hình càng khó khăn hơn khi xuất khẩu 8 tháng đầu năm sụt giảm mạnh về cả lượng và giá. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, với tình hình hiện tại thì dự kiến năm 2013 xuất khẩu sẽ chỉ đạt khoảng 7 - 7,1 triệu tấn gạo chứ khó có thể đạt 7,5 triệu tấn như chỉ tiêu đề ra, vì diễn biến xuất khẩu gạo đang theo chiều hướng "rất xấu" do dư thừa nguồn cung. Hiện các hợp đồng có số lượng mua nhỏ, giá thấp và nếu các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh bán ra thì sẽ lỗ lớn vì đã mua tạm trữ lúa hè thu với giá cao. Theo ông Phạm Văn Bảy thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo "đã yếu lắm rồi". Còn ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu thì nêu tình hình u ám hơn: "Nếu cuối năm nay tổng kết số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo lỗ 50% là điều đáng mừng. Nếu cái đà này lỗ có thể lên tới 70%, thậm chí 90%".
Trong khi doanh nghiệp kêu lỗ thì nhiều nông dân vẫn nghèo trên mảnh ruộng của mình. Theo GS.TS Nguyễn Văn Luật, thì nông dân là "gốc" của ngành hàng nhưng hưởng lợi chưa công bằng. Chuỗi giá trị gạo Việt Nam đi qua rất nhiều khâu từ thu gom (thương lái, hàng xái, lái lúa, cò lúa…), các nhà máy xay xát, chà bóng và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hiện các thành phần cùng tham gia chuỗi sản xuất hạt gạo trên chưa liên kết với nhau, chưa thực sự hỗ trợ nhau. Kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị xuất khẩu gạo ở Kiên Giang cho thấy nông dân bán trực tiếp cho công ty xuất khẩu gạo chỉ có 5,1%, bán cho nhà máy chế biến chỉ 2,8% và bán cho thương lái đến 91%. Với hành trình "vòng vèo" này, giá gạo xuất khẩu công ty mua là 8.142 đồng/ký nhưng người nông dân chỉ bán có 5.212 đồng/ký, còn 2.930 đồng là các khâu trung gian thương lái, nhà máy xay xát và nhà máy đánh bóng.
Giá trị không thể cao vì thiếu thương hiệu
Theo các chuyên gia, để giá xuất khẩu tăng thì phải đầy đủ hai yếu tố: Gạo phải đạt chất lượng tốt và có thương hiệu. Để làm được điều này thì hạt gạo phải được xem xét tổng thể từ đầu vào đến đầu ra.
Cải tiến chất lượng gạo, theo nhiều đại biểu là cần cải thiện giống lúa và tổ chức sản xuất tập trung. Ông Phạm Văn Bảy cho rằng chất lượng gạo chúng ta không thể bằng Thái Lan vì mỗi mùa họ chỉ vài chục giống còn chúng ta một vụ có đến hơn 200 giống lúa. Hiện nông dân sản xuất theo truyền thống cả về giống và quy trình chạy theo sản lượng, còn Nhà nước thì thiếu định hướng sản xuất cho người dân, chưa đầu tư nghiên cứu tạo ra giống tốt để nâng chất lượng gạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cả ba khâu từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu gạo đều có bất cập, kể cả công tác điều hành cũng chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, vấn đề giá trị hạt gạo xuất khẩu cần được xem xét một cách tổng thể trong chuỗi từ sản xuất, thu mua, tạm trữ, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ cần rà soát, tính toán lại để định hướng phát triển sản xuất lúa gạo theo ba hướng lớn: tổ chức sản xuất; xây dựng và quảng bá thương hiệu; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là xây dựng thương hiệu, bởi theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh thì "tồn tại lớn nhất trong xuất khẩu gạo là chưa xây dựng thương hiệu gạo, tự làm mất khả năng cạnh tranh của mình".