Chuyện ông Dũng “khùng” đi tìm mộ đồng đội

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:44, 13/09/2013

(HNM) - Nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội gọi ông là thầy Dũng

CCB Nguyễn Dũng (mặc quần áo bộ đội) trong một lần về thăm đồng đội.


1. Thầy Dũng "khùng" năm nay vừa tròn 60 tuổi. Ông bảo không buồn khi nghe biệt danh này, thậm chí nhiều lúc còn tự hỏi: Hay mình khùng thật? Không "lăn tăn" sao được bởi không phải bây giờ người ta mới gọi ông là Dũng "khùng", mà từ thời sinh viên, rồi đến những năm tháng chiến đấu gian khổ nơi chiến trường, biệt danh này đã bám lấy ông…

42 năm trước, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Dũng "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu" và được biên chế về Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, Tây Nguyên, Xuân Lộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến tranh kết thúc, ông trở lại trường xưa học tiếp đại học, rồi trở thành cán bộ của Viện Công nghệ hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội). Thế nhưng, mảnh đất Quảng Trị cùng những năm tháng chiến đấu gian khổ của một thời tuổi trẻ luôn khiến cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Dũng trăn trở, nhất là khi đất nước im tiếng súng nhưng nhiều đồng đội vẫn đang nằm đâu đó trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này chưa được quy tập về nghĩa trang. Phải tìm cách xác định danh tính, đưa đồng đội trở về dù chỉ là chút di cốt, đó là tâm nguyện của Nguyễn Dũng. Từ năm 1977, những ngôi mộ đầu tiên do chính ông hoặc đồng đội chôn cất đã được ông tìm thấy và đưa về trong sự mừng vui khôn xiết của gia đình liệt sỹ. "Trong quá trình tìm đồng đội tôi thấy còn quá nhiều liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi, đơn vị, quê quán… Thực tế này đã thôi thúc tôi phải dành nhiều thời gian, công sức hơn nữa để ngày càng có nhiều đồng đội được trả lại tên và "trở về" quê hương", thầy Dũng chia sẻ.

Nghĩ là làm, một tổ chức hội có tên gọi "Lính sinh viên đi tìm đồng đội" đã được ông thành lập mà thành viên là các CCB của các trường đại học trên địa bàn thành phố. "Hội đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc thẩm định, tìm kiếm thông tin về liệt sỹ. Có những thông tin với nhiều người chỉ là câu chuyện của thời chiến nhưng khi đến với chúng tôi lại trở nên rất có ý nghĩa. Đã nhiều trường hợp tìm thấy mộ hoặc xác định được danh tính chính xác cho liệt sỹ nhờ những "kênh" thông tin như vậy", ông nói.

Đảm nhiệm công việc giảng dạy, nghiên cứu tại Viện Công nghệ hóa học nhưng CCB Nguyễn Dũng vẫn dành phần lớn các kỳ nghỉ của mình để trở lại chiến trường xưa. Thu nhập từ đồng lương của một giảng viên đại học đã được ông tích cóp chỉ để phục vụ công việc tìm kiếm, quy tập mộ đồng đội. Ông bảo đó là trách nhiệm của những người may mắn được trở về sau chiến tranh và ông nguyện sẽ gắn bó với những hồ sơ, tư liệu và những ký hiệu giải mã phiên hiệu đơn vị phục vụ công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đến khi nào không còn sức nữa.

2. Thầy Dũng "khùng" có thói quen thu nạp và ghi chép cẩn thận tất cả những thông tin liên quan đến liệt sỹ. Ông bảo có thể bây giờ chưa cần nhưng biết đâu đến một lúc nào đó thông tin ấy sẽ có ích. Cẩn thận trong công việc nên khi quyết định đi tìm mộ, ông nhiều lần đối chiếu bằng điện thoại, tin học, đối chiếu với các cơ quan chính sách của tỉnh đang quản lý mộ liệt sỹ và cả ở địa phương có người hy sinh… rồi mới bắt tay vào việc tìm kiếm.

Trường hợp của liệt sỹ Đinh Trần Sơn, quê Thọ Xuân, Móng Cái, Quảng Ninh là một ví dụ. Ông nhận được thông tin của gia đình liệt sỹ rất ngắn gọn: Tên liệt sỹ và nơi hy sinh Quảng Trị. Rất may mắn, một thành viên trong hội "Lính sinh viên đi tìm đồng đội" đã từng cung cấp cho ông sơ đồ mộ chí của liệt sỹ này và 2 đồng đội nữa. Trao lại sơ đồ cho gia đình liệt sỹ, họ tìm về theo địa chỉ trên thì chính quyền thông báo là chỉ nhớ chính xác một trong ba ngôi mộ đó đã được quy tập lên nghĩa trang liệt sỹ của huyện. Tìm lên nghĩa trang, gia đình chỉ thấy ngôi mộ đồng đội của liệt sỹ Sơn, còn mộ của liệt sỹ Sơn thì không thấy, thay vào đó là một ngôi mộ ghi đơn vị Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, có đủ quê quán nhưng khuyết danh. Với kinh nghiệm của người nhiều năm đi tìm mộ, ông đã tư vấn cho thân nhân liệt sỹ đến Trung tâm 27-7 của tỉnh Quảng Trị, đến Trung đoàn 95 để kiểm tra và tìm hiểu lại thông tin ngay tại địa phương xem có bao nhiêu liệt sỹ Sơn hy sinh tại Quảng Trị. Bằng biện pháp nghiệp vụ, sau khi đối chiếu tại các tuyến chính sách và địa phương, gia đình đã khẳng định ngôi mộ khuyết danh đó là của liệt sỹ Đinh Trần Sơn.

"Tìm mộ liệt sỹ cũng có nhiều cơ duyên, có những trường hợp dù có trong tay rất nhiều thông tin nhưng phải đến gần 8 năm sau tôi mới có đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn đó là mộ của đồng đội mình. Hay trong những lần chuyện trò, tán gẫu rồi tự ghép nối thông tin, tôi đã tìm ra mộ đồng đội", thầy Dũng "khùng" chia sẻ. Đó chính là lần ông đã tìm ra địa chỉ của người thân liệt sỹ Lương Hồng Thủy, người bị thương trong đêm 16-9-1972 sau nhiều lần được đồng đội tìm cách đưa sang sông Thạch Hãn để chữa trị nhưng không thành công đã tình nguyện ở lại bảo bạn bè gom hết súng đạn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để đồng đội rút lui an toàn. Lần đó, để tìm ra địa chỉ người thân liệt sỹ Lương Hồng Thủy đã có hơn 200 sinh viên trong và ngoài nước hỗ trợ giúp CCB Nguyễn Dũng và trong vòng 3 giờ đồng hồ, ông đã được nói chuyện với em gái liệt sỹ…

3. Âm thầm làm việc nghĩa mà chưa một lần đặt nặng vấn đề thành tích hay trả ơn, gần 40 năm qua, dấu chân người CCB mang biệt danh Dũng "khùng" đã thuộc lòng từng địa danh trên mảnh đất Quảng Trị. Ông đã cùng đồng đội "lục tung" những làng mạc xưa kia là trận địa, gặp gỡ nhiều người từng là dân quân, du kích, từng trực tiếp tham gia chiến đấu và cả những người làm công tác chính sách từ xã, đến huyện, đến tỉnh để có được thông tin về liệt sỹ. Thậm chí, ngay cả tên và số điện thoại của những người làm công tác quản trang ở Quảng Trị ông đều lưu giữ. Tâm huyết và trách nhiệm với công việc, CCB Nguyễn Dũng đã lập danh sách các liệt sỹ của trung đoàn mình đã hy sinh tại Quảng Trị và gửi lại các nghĩa trang để sẵn sàng trợ giúp các gia đình liệt sỹ tìm hiểu thông tin. Là người làm khoa học nên ông đã tận dụng thế mạnh của mình vào việc khai thác các thông tin trên mạng về liệt sỹ cũng như "bắt tay" với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, Trung tâm 27-7 của tỉnh Quảng Trị… để việc tìm kiếm được khoa học và chính xác hơn.

Câu chuyện của người CCB đầy tâm huyết với việc đi tìm mộ liệt sỹ, lúc ào ào như thác đổ, lúc buồn mênh mang. Có đôi lần ông lặng người ngồi khóc khi nhắc tên đồng đội, kỷ niệm chiến trường. "Chiến tranh càng lùi xa, việc tìm kiếm mộ càng khó khăn hơn bởi những mộ có thông tin chính xác đã tìm rồi, giờ còn chủ yếu là mộ khuyết danh hoặc thiếu thông tin. Tuy nhiên, tôi và các đồng đội còn sống sẽ quyết tâm làm hết sức mình với mong muốn làm sao để có thêm nhiều hơn nữa liệt sỹ được xác định đúng danh tính và trở về với gia đình".

Chuyện về thầy Dũng "khùng" nhiều năm nay dồn hết sức mình cho việc đi tìm mộ liệt sỹ có lẽ nhiều người đã nghe nói nhưng ít ai biết rằng để có những chuyến đi thành công, ông đã nhận được sự tiếp sức của nhiều "vệ tinh". Họ sẵn sàng giúp ông tìm kiếm, thẩm định, kết nối thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn nhất "tránh tối đa việc hoang báo làm ảnh hưởng đến thân nhân liệt sỹ" như ông vẫn bảo. Trong số những "vệ tinh" đang âm thầm dõi theo từng bước ông đi có người là thành viên hội "Lính sinh viên đi tìm đồng đội", có cả những người bạn không cùng chiến hào, có khi là một CCB đang hành nghề xe ôm. Khi thì họ "bắn" mấy trăm nghìn vào điện thoại vì "việc mày làm tốn nhiều tiền điện thoại", khi lại hăng hái thẩm định thông tin hay chuẩn bị đồ lễ khi biết ông chuẩn bị vào "thăm" đồng đội. Những việc làm chân tình ấy đang là động lực tinh thần để người "khùng" Nguyễn Dũng vững tin trên hành trình còn lắm gian nan…

Nguyễn Hoa