Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở hành lang phía bắc
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 13/09/2013
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev. |
Thực tế cho thấy, với nền kinh tế đang bùng nổ, dân số gia tăng và nhu cầu không ngừng về năng lượng, Trung Quốc cần Trung Á cho vấn đề an ninh năng lượng trong tương lai cũng như mở rộng thương mại và bảo đảm an ninh của vùng Tân Cương. Vì vậy, đã từ lâu, việc mở rộng quan hệ với các quốc gia Trung Á đã nằm trong mục tiêu phát triển của Bắc Kinh. Kế hoạch mang tầm chiến lược của Trung Quốc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng việc xây dựng nền tảng bằng các mối quan hệ chính trị, đạt được sự thừa nhận về biên giới với các nước thuộc Liên Xô trước đây. Đồng thời, Trung Quốc đề xuất với các quốc gia Trung Á các khoản hỗ trợ tài chính lớn dưới dạng tín dụng, cho vay và bảo đảm các dự án kinh tế của mình không chịu sự ảnh hưởng từ các dự án của những quốc gia khác đang tham gia vào khu vực này.
Vì thế, không ít nhà phân tích cho rằng, trong số các cường quốc đang cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Trung Á, Trung Quốc là "người trầm lặng" nhất nhưng không kém phần mạnh mẽ. Nhận định này cũng phù hợp với tốc độ tăng trưởng hợp tác giữa quốc gia đông dân nhất thế giới với các nước Trung Á. Năm 2009, Kazakhstan nhận được 10 tỷ USD từ Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế. Cùng lúc, việc xây dựng đường ống dẫn dầu Kazakhstan - Trung Quốc được hoàn thành. Về cơ bản gần 3.000km đường ống sẽ vận chuyển 200.000 thùng dầu/ngày. Ngoài dầu khí, các nguồn tài nguyên như than, sắt, kẽm, đồng, titan, nhôm, bạc và vàng cũng đặc biệt quan trọng với Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Dầu và Khí Kazakhstan gần đây thông báo rằng có 15 công ty lớn của Trung Quốc đang hoạt động tại nước này, con số các công ty có cổ phần nhỏ hơn của Trung Quốc còn cao hơn. Các công ty này hằng năm khai thác khoảng 80 triệu tấn dầu và khoảng 25 triệu tấn là chuyển về Trung Quốc. Bức tranh tương tự cũng diễn ra ở đất nước giàu năng lượng Turkmenistan. Tại đây Trung Quốc đang tìm kiếm sự độc quyền xuất khẩu khí đốt thiên nhiên của nước này, trong khi hiện nay, Bắc Kinh đã ký các hợp đồng mua 40 tỷ mét khối của Turkmenistan hằng năm. Với Kyrgyzstan, Trung Quốc xem quốc gia này như cơ sở chiến lược cho việc mở rộng thương mại khắp Trung Á và khoảng không gian Xô Viết cũ. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, dư luận đặc biệt chú ý tới việc thảo luận xây dựng tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Trung Á. Đây sẽ là con đường tiếp cận nữa của Trung Quốc với thế giới bên ngoài bên cạnh tuyến đường tiếp cận thông qua các tỉnh duyên hải miền Đông. Tuy nhiên, những tuyến đường này bị hạn chế bởi chính sách gọi là "chuỗi ngọc trai" do Mỹ và các nước đồng minh của mình thực hiện nhằm kiểm soát các điểm đầu mối vận tải biển ra vào Trung Quốc.
Với những mục tiêu đã đề ra, có thể nói chuyến công du nước ngoài lần thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức gặt hái được khá nhiều thành công so với mục tiêu đề ra nhằm thúc đẩy toàn diện hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung Á. Đáng chú ý là thỏa thuận nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược với Kyrgyzstan, Turkmenistan cùng các hợp đồng hợp tác khổng lồ, trong đó có hợp đồng mua bán dầu mỏ trị giá 5 tỷ USD với Kazakhstan. Những kết quả đó đã khẳng định chiến lược của Trung Quốc ở hành lang phía Bắc, đồng thời báo hiệu mức độ cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua giành ảnh hưởng giữa các cường quốc như Nga, Mỹ, Ấn Độ tại bàn cờ Trung Á.