Tăng thu nhập cho nông dân
Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 13/09/2013
Thanh Oai là huyện có diện tích sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất của thành phố, với khoảng 1.200ha chuyên sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Trong đó, riêng xã Thanh Văn đã hình thành vùng sản xuất với quy mô 400ha, chuyên sản xuất một giống lúa. Mới đây vùng sản xuất lúa Thanh Văn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu gạo tập thể "Gạo Bồ Nâu" Thanh Văn. Ông Nguyễn Huy Oánh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thanh Văn cho biết, trước kia, do thu nhập từ trồng lúa thấp, nhiều hộ đã bỏ ruộng ra thành phố và các khu công nghiệp làm thuê, song từ khi tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa, nông dân bắt đầu trở lại gắn bó với cây lúa. Tham gia chương trình, nông dân được tiếp cận phương thức sản xuất lúa mới theo quy trình khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hàng hóa chứ không còn mang tính tự cung, tự cấp như trước. Hiện giá trị kinh tế từ mô hình sản xuất lúa hàng hóa của Thanh Văn đạt 200 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, từ khi gạo Thanh Văn được xây dựng nhãn hiệu, giá trị kinh tế cũng được tăng lên, sức tiêu thụ gạo tăng qua các đơn đặt hàng của doanh nghiệp làm nông dân phấn khởi, yên tâm sản xuất.
Thu gặt lúa chất lượng cao ở Mỹ Đức. Ảnh: Yến Ngọc |
Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Nguyễn Bá Sướng cho biết, đến nay toàn thành phố có 8.000ha sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 11 huyện ngoại thành, năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha/vụ. Dự kiến, sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao tại Hà Nội năm 2013 đạt 43.200 tấn, giá bán tăng 1,3 - 1,5 lần so với giống lúa cũ Khang dân; giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 388,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Bá Sướng cho biết, sản xuất nông nghiệp Hà Nội những năm gần đây cung cấp khoảng 1,2 triệu tấn lương thực, trong đó có 1,1 triệu tấn lúa, đã bảo đảm nhu cầu đời sống của khoảng 4,5 triệu nông dân và đáp ứng 50-60% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho khoảng 5 triệu dân phi nông nghiệp, du khách trong nước, quốc tế và người đến làm việc, công tác, học tập trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, chương trình sản xuất lúa hàng hóa đã tạo thêm nhiều ngành, nghề mới, giải quyết việc làm cho khoảng 68.500 lao động. Ngoài ra, mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại Hà Nội đã phát huy hiệu quả mối liên kết "bốn nhà" trong nông nghiệp. Năm 2013, đã có 6 doanh nghiệp tham gia cung ứng 520 tấn giống gồm: Bắc thơm số 7, Nàng xuân, HT1, nếp cái hoa vàng… bảo đảm chất lượng giống tốt. Đã có 5 doanh nghiệp trực tiếp cung ứng với số lượng 7.800 tấn phân bón và thuốc trừ sâu các loại. Việc cung ứng giống, phân bón bảo đảm đúng thời gian, tiến độ, thời vụ sản xuất nên nông dân phấn khởi, yên tâm. Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ các HTX nông nghiệp chậm trả tiền hàng. Việc tiêu thụ sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giữa các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên việc phối hợp còn chưa đồng bộ nên kết quả chưa cao. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương đã tiêu thụ khoảng 70% sản phẩm lúa, gạo chất lượng.
Từ chương trình sản xuất lúa hàng hóa, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được nhãn hiệu "Gạo Bồ Nâu" Thanh Văn (Thanh Oai), đồng thời phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và công ty luật tư vấn xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể "Gạo Thủ đô". Từ khi các HTX có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm lúa hàng hóa, nông sản chất lượng cao đã nâng cao giá trị hàng hóa từ 1,3 đến 1,4 lần so với lúc chưa xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng sử dụng, thu nhập nông dân được ổn định, ngày càng nâng cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho rằng, thành công lớn nhất của mô hình sản xuất lúa hàng hóa là đã thay đổi được tập quán canh tác cũ của nông dân. Trồng lúa dần dần phải được trở thành một nghề với công nghệ sản xuất cao, thu nhập khá, ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực còn hướng tới kinh doanh. Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ hình thành những vùng chuyên sản xuất lúa để cung cấp lương thực và vùng chuyên sản xuất hàng hóa sản xuất các giống lúa chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Với những kết quả đạt được, chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã đáp ứng được mục tiêu Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển kinh tế hàng hóa và nông nghiệp đô thị, góp phần hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM.