Huyện Chương Mỹ: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Xã hội - Ngày đăng : 06:23, 13/09/2013

(HNM) - Chương Mỹ là huyện làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa, được thành phố đánh giá cao, nhưng xây dựng nông thôn mới lại chưa được như ý muốn. Vậy nguyên nhân vì sao?

Thực hiện Nghị quyết số 03 của HĐND TP Hà Nội về xây dựng NTM, Đảng bộ huyện Chương Mỹ đã xây dựng Chương trình số 06 ngày 2-8-2011 về đẩy mạnh công tác xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; UBND huyện có đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020. Đến cuối năm 2012, thành phố đã phê duyệt xong đề án xây dựng NTM cấp huyện và 100% số xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành đề án, đồ án quy hoạch xây dựng NTM. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng trong 2 năm thực hiện xây dựng NTM, toàn huyện Chương Mỹ đã huy động được hơn 1.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó ngân sách thành phố hơn 442 tỷ đồng; doanh nghiệp, các tổ chức khác và nhân dân đóng góp hơn 272 tỷ đồng...

Chăm sóc hoa tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền


Tuy nhiên, do công tác chỉ đạo của một số xã chưa quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; trình độ, năng lực của không ít cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác quản lý còn hạn chế... nên công tác xây dựng NTM của huyện Chương Mỹ chưa đạt kết quả cao. Đến thời điểm này, toàn huyện mới có xã điểm Thụy Hương đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 7 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí và có tới 22 xã chỉ đạt, cơ bản đạt 5-9 tiêu chí; trong đó tiêu chí thu nhập chưa có xã nào đạt, 7 tiêu chí: Môi trường, hộ nghèo, chợ, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, thủy lợi, giao thông, mỗi tiêu chí có 1 xã đạt. Theo ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện, khó khăn lớn nhất là nguồn lực cho xây dựng NTM. Chương Mỹ là huyện có số xã lớn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, số tiêu chí đạt khi triển khai xây dựng NTM rất thấp, không có xã nào đạt hơn 10 tiêu chí, nhất là các nhóm hạ tầng kinh tế-xã hội: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... đều chưa đạt. Theo đề án xây dựng NTM, toàn huyện cần tới 6.659 tỷ đồng cho phát triển kinh tế và hạ tầng cơ sở nông thôn; trong đó vốn của thành phố là 671 tỷ đồng, huyện 356 tỷ đồng, vốn các xã 2.519 tỷ đồng, còn lại là huy động nhân dân đóng góp và các nguồn khác. Tuy nhiên, do nguồn thu ngân sách tại chỗ của huyện không đủ bù chi, chủ yếu trông vào ngân sách thành phố; nhiều địa phương không có doanh nghiệp, nơi có thì hoạt động cầm chừng; thu nhập của người dân thấp (hơn 17 triệu đồng/người/năm), vì vậy đầu tư cho hạ tầng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn thu của huyện, xã để đầu tư cho hạ tầng cơ sở nông thôn chủ yếu trông chờ vào đấu giá đất, nhưng trình tự, thủ tục đấu giá mất nhiều thời gian và giá đất rất thấp, không có người mua, dẫn đến tình trạng nợ vốn xây dựng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Phú Phạm Văn Hải cho rằng, với các quy định, thủ tục đấu giá đất như hiện nay thì các địa phương ở vùng sâu, vùng xa có đấu cũng như không, chẳng có tiền mà đầu tư cho hạ tầng cơ sở nông thôn. Bởi lẽ, sau khi được thành phố phê duyệt, giải phóng mặt bằng xong, nếu phải xây dựng hạ tầng cơ sở: Đường giao thông, điện... thì số tiền đầu tư cho những công đoạn này còn lớn hơn cả tiền bán đất ở đây (chỉ 1-3 triệu đồng/m2).

Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động để mọi người tự giác, hăng hái tham gia xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị thành phố kiểm tra, rà soát, bổ sung, sửa đổi thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng NTM theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường phân cấp cho huyện và xã. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, thực hiện không quyết liệt thì mục tiêu của Chương Mỹ đến năm 2015 có thêm 18 xã đạt chuẩn NTM sẽ rất khó khăn.

Kiều Linh