Bài 2: Cần một cơ chế đặc thù
Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 13/09/2013
Trong khi chờ đợi những dự án này thành hiện thực, việc nghiên cứu cơ chế đặc thù đã được cơ quan chức năng nghĩ đến để xem xét đầy đủ những yếu tố lịch sử nhằm tìm biện pháp giải quyết hợp lý. Hy vọng cuối năm nay, Quy hoạch đê điều Hà Nội dự kiến được phê duyệt, tạo hành lang pháp lý quan trọng nhất để đưa công tác quản lý đê điều đi vào ổn định.
Ảnh minh họa |
Những dự án bảo vệ đê trên... giấy!
Tháng 9-2010, UBND huyện Ứng Hòa đã tổ chức tháo dỡ 69 công trình vi phạm trên đê tả Đáy trên địa phận xã Đồng Tiến. Để chống tái lấn chiếm, Sở NN&PTNT thống nhất với huyện Ứng Hòa triển khai khảo sát lập dự án báo cáo thành phố cho triển khai 5km đường gom dọc đê tả Đáy. Thế nhưng, đã gần 3 năm trôi qua, kể từ ngày hoàn thành việc giải tỏa vi phạm, dự án làm đường gom vẫn chưa được triển khai. Tại hiện trường những nơi đã giải tỏa ngổn ngang vi phạm mới phát sinh. Ông Quản Ngọc Biết, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết, dọc tuyến đê tả Đáy qua địa bàn xã có 76 hộ dân sinh sống từ lâu đời, nhiều gia đình có đất thổ cư nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê nên chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn nhân dân thi công xây dựng. Lý giải nguyên nhân vì sao dự án trên bị "treo", lãnh đạo Sở NN& PTNT và UBND huyện Ứng Hòa cho biết "do thiếu kinh phí đầu tư và gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng!". Theo Sở NN& PTNT, giải pháp đường gom hành lang chân đê vẫn là một giải pháp hữu hiệu và tiếp tục báo cáo thành phố cho phép đầu tư, trong đó một số dự án ở Ba Vì, một số đoạn trên sông Đuống đã bắt đầu triển khai nhưng vẫn chậm do thiếu kinh phí.
Trong khi các dự án làm đường gom chân đê gặp khó thì việc cắm mốc giới hành lang đê cũng chưa được thực hiện. Theo "Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố đến năm 2020" thì việc cắm mốc chỉ giới thoát lũ, bảo vệ đê được ưu tiên thực hiện và hoàn thành trong năm 2013. Theo đó, Sở NN&PTNT đã lập dự án cắm mốc giới trên 3 tuyến sông Đà, sông Hồng và sông Đuống với tổng kinh phí dự toán khoảng 37 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội) cho biết, Sở NN&PTNT đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật nhưng đến thời điểm này chưa thể thực hiện do chưa được bố trí vốn. Một khó khăn rất đáng quan tâm nữa là theo cơ quan quản lý đê điều, việc tổ chức cắm mốc giới khó có thể thực hiện "một sớm, một chiều". Bởi, việc xác định ranh giới của các tuyến đê khá phức tạp, do nhiều tuyến đê lồi lõm, có những đoạn cong ngoằn ngoèo không xác định được chân đê ở đâu.
Phục vụ đa mục tiêu
Qua rà soát của cơ quan quản lý đê, số lượng dân sống lâu đời, nằm trong phạm vi bảo vệ đê, trong hành lang thoát lũ dọc các tuyến đê của thành phố khá lớn, gần 160.000 người, chiếm 2,5% dân số toàn thành phố. Những trường hợp này hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Có những địa phương như Phúc Xá (Ba Đình), Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm), Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì), Kim Lan, Văn Đức (Gia Lâm), Vân Côn (Hoài Đức)... địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông. Vấn đề đặt ra là nếu chậm trễ trong công tác cắm mốc chỉ giới sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của hàng trăm nghìn hộ dân...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung cho rằng, đối với các khu dân cư sống lâu đời, nằm trong phạm vi bảo vệ đê và chỉ giới thoát lũ các tuyến sông đề nghị được xác định là công trình thuộc "khu phố cổ, làng cổ..." hoặc "cụm, tuyến dân cư trong vùng dân cư sống chung với lũ...", theo quy định tại Luật Đê điều. Đối với vi phạm mới phát sinh, kiên quyết xử lý giải tỏa; những công trình, nhà ở hiện có trong khu vực sạt lở, ở trong phạm vi bảo vệ đê điều bất hợp lý, không thể xem xét cho tồn tại được cần lập dự án để di dời. Bên cạnh một số cơ chế đặc thù cần thực hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang tập trung hoàn thành dự thảo quy hoạch đê điều Hà Nội để trình HĐND thành phố xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Nếu được thông qua, quy hoạch đê điều được kỳ vọng là "cẩm nang cơ sở" để giải quyết mọi bức xúc hiện nay trong quản lý đê của Hà Nội. Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, quy hoạch tiến hành nghiên cứu, đề xuất các phương án cải tạo, nâng cấp, làm mới các tuyến đê hữu sông Đà, đê sông Hồng, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà, sông Hữu Cầu và sông Cà Lồ với diện tích bảo vệ của các tuyến đê chính là hơn 293.000ha, đê bối hơn 8.000ha.
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Hà Đức Trung, quy hoạch đê điều sẽ phát triển theo hướng phục vụ đa mục tiêu vừa bảo đảm phòng chống lũ vừa phục vụ giao thông và kết hợp du lịch, cảnh quan đô thị; vừa bảo đảm tính kế thừa, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến các di tích văn hóa, lịch sử tâm linh, hạn chế việc giải phóng mặt bằng tại các khu dân cư đã ổn định. Ngoài ra, phát triển hệ thống đê điều bền vững trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xây dựng, quản lý, vận hành, đáp ứng quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh quốc phòng.