Bài học từ việc trường tiền tỷ bỏ hoang, học sinh thiếu chỗ học
Giáo dục - Ngày đăng : 06:00, 13/09/2013
Đó là những thông tin bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã trao đổi với phóng viên Hànộimới chiều 12-9.
- Sự việc hai trường THCS tại huyện Quốc Oai bị chậm tiến độ tới vài năm khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc. Sở GD-ĐT Hà Nội có biết chuyện này không và quan điểm của lãnh đạo ngành ra sao?
- Ngay khi có thông tin, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai báo cáo cụ thể sự việc và nguyên nhân chậm tiến độ. Quan điểm chỉ đạo của Sở là quyết liệt và ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng trường học, nhất là vào thời điểm đầu năm học mới như hiện nay. Theo phân cấp, trách nhiệm chính trong việc này thuộc UBND huyện Quốc Oai. Hiện nay chính quyền địa phương - đồng thời là chủ đầu tư, đã đốc thúc nhà thầu tiếp tục thi công và thống nhất thời hạn bàn giao công trình Trường THCS Tân Hòa vào ngày 15-9, thời hạn cuối cùng bàn giao công trình Trường THCS Cộng Hòa là ngày 30-9.
Trường Tiểu học Hoàng Xá, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất chẳng khác một ngôi nhà để hoang. |
- Nguyên nhân được xác định do đâu? Theo bà, làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng tương tự?
- Quá trình thẩm tra cho thấy sự việc tại Quốc Oai và một số nơi khác năng lực quản lý, trách nhiệm của chủ đầu tư - là cấp xã còn nhiều bất cập. Việc triển khai các dự án như vậy nên được đưa về cấp huyện quản lý, vì ở đó có ban quản lý dự án - đơn vị có đủ điều kiện về nhân lực, chuyên môn và có khả năng xử lý các sự cố, nếu có trong quá trình triển khai, góp phần đẩy nhanh tiến độ và chất lượng dự án. Đã có nhiều nơi triển khai theo cách thức này và thực tế cho thấy rất hiệu quả.
- Nhiều ý kiến cho rằng nhà trường chỉ là đơn vị thụ hưởng dự án, nên việc xây trường ra sao, có đáp ứng được nhu cầu dạy - học hay không hầu như không nắm rõ. Do vậy, các dự án không hoàn thành đúng tiến độ nhà trường cũng đành im lặng. Quan điểm của bà thế nào?
- Theo Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội, những công trình khối trực thuộc có giá trị trên 15 tỷ đồng phải do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư. Sở GD-ĐT ủy quyền cho Ban quản lý dự án của Sở, đơn vị có đủ điều kiện về năng lực để quản lý, tổ chức thực hiện. Thực tế, kể cả những dự án dưới 15 tỷ đồng mà tính chất phức tạp cũng được đưa về Ban quản lý dự án của Sở GD-ĐT triển khai. Cá nhân tôi cho rằng như vậy là hợp lý nhằm tạo điều kiện nhanh nhất, tốt nhất cho giáo viên, HS dạy và học. Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về các dự án đối với các cấp mầm non, tiểu học và THCS, song thực tế kiểm tra cho thấy, các nhà trường - nơi thụ hưởng dự án lại chưa được tham gia vào quá trình triển khai dự án. Theo tôi, phía ngành GD-ĐT phải là một thành viên của ban điều hành dự án, có quyền góp ý từ khâu thiết kế để dự án được thực hiện theo đúng quy chuẩn xây dựng, điều lệ trường học và đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia.
- Báo cáo của Sở GD-ĐT khẳng định đã bảo đảm chỗ học cho mọi HS, dù quy mô các cấp học năm nay đều tăng. Tuy nhiên, thực tế ở một số nơi, nhất là ở cấp mầm non, số trẻ/lớp lên đến 80. Việc giải quyết tình trạng này thế nào, thưa bà?
- Đây là tình trạng cục bộ xảy ra ở một số quận nội thành. Sở đã tham mưu với UBND thành phố cho phép những trường này được nâng tầng nhưng vẫn bảo đảm an toàn, hợp lý trong sử dụng. Về lâu dài, Hà Nội đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, sử dụng quỹ đất trống… để ưu tiên xây dựng trường mầm non, phổ thông. Hà Nội cũng đang gấp rút triển khai “Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030” nhằm bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất (trường lớp, trang thiết bị) theo tiêu chuẩn, có khả năng phục vụ HS học và hoạt động 2 buổi/ngày tại trường ở cả 4 cấp: Mầm non, tiểu học, THCS và THPT, đồng thời giảm dần số HS bình quân trên lớp.
Với những giải pháp đồng bộ, phù hợp và quyết liệt của lãnh đạo thành phố và các cấp, ngành, tôi tin rằng trong ít năm tới Hà Nội sẽ không còn tình trạng thiếu trường, sĩ số HS/lớp sẽ giảm theo đúng điều lệ trường học, từ đó chất lượng GD-ĐT toàn diện được nâng lên.
- Xin cảm ơn bà!