Quá trình quy hoạch, cấp phép, thi công, quản lý... phải đồng bộ
Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 12/09/2013
Anh Vũ Ngọc Khải, phường Hạ Đình (Thanh Xuân): Chỉ đầu tư cải tạo sau khi có cơ chế quản lý hiệu quả
Hiện tại, khu vực hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đang được kè bờ, mang lại vẻ đẹp cho khu vực. Nhưng bên cạnh đó, cũng dễ dàng nhận thấy tại vị trí bờ kè bám theo đường Nguyễn Hữu Thọ, đơn vị thi công kè xong mặt bằng đến đâu là có người đến chiếm chỗ để bán hàng đến đấy. Tại nhiều tuyến vỉa hè khác cũng vậy, càng rộng, càng thoáng càng tạo điều kiện cho một nhóm người chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán… Vì vậy, tôi e rằng số tiền 1.842 tỷ đồng đầu tư cho đề án sẽ trở thành lãng phí bởi các cơ quan chức năng không quản lý tốt thì lợi ích chỉ rơi vào một nhóm người. Nếu sau đầu tư, cải tạo mà không có phương án giữ gìn thì hè phố vẫn không thoát khỏi thảm cảnh phố "vá" như hiện nay.
Ông Bùi Đình Hiền, phường Mai Động (Hoàng Mai): Xử lý nghiêm đơn vị thi công không đúng giấy phép
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đều biết việc cấp phép đào đường, đào hè đã được UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm. Sở này cũng được giao cả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thi công theo giấy phép và việc hoàn trả mặt đường, hè đường bảo đảm chất lượng.
Chỉ đạo rõ ràng như vậy nhưng thực tế việc đơn vị thi công không đúng giấy phép, không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn khi thi công… vẫn xảy ra trên rất nhiều tuyến phố khiến dư luận bức xúc. Theo tôi, đã đến lúc Sở Giao thông - Vận tải cần siết chặt việc kiểm tra, giám sát thi công của các đơn vị theo giấy phép; đồng thời, quy trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm, ảnh hưởng đến cuộc sống và đi lại của nhân dân Thủ đô.
Bà Kiều Phương Dung, phường Phương Mai (Đống Đa): Công khai dự án đào xới vỉa hè để người dân biết
Lâu nay, khi các đơn vị triển khai đào xới, khoan cắt đường, vỉa hè để hạ ngầm đường dây cáp điện chiếu sáng, cáp viễn thông hay xây dựng cống thoát nước… người dân sống trong khu vực không được biết bất cứ thông tin gì liên quan đến việc các đơn vị sẽ làm. Chính vì thế, người dân không thể biết được các đơn vị thi công đào bới, khoan cắt từ đâu đến đâu, thời gian thực hiện như thế nào nên chưa phát huy được quyền "kiểm tra, giám sát" nhà thầu trong quá trình triển khai. Và khi chuyện đã rồi (vỉa hè bị cày xới nham nhở, các nhà thầu chưa bảo đảm vệ sinh môi trường khi thi công hay việc hoàn trả mặt bằng), người dân cũng chẳng biết kêu ai, đành phải chung sống với bụi bẩn, ô nhiễm. Để khắc phục tình trạng vỉa hè bị đào xới, không hoàn trả như hiện trạng ban đầu, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công các dự án hạ ngầm, xây dựng cống thoát nước… trang bị đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, cần công khai những thông tin liên quan đến dự án để người dân được biết và tham gia giám sát.
Chị Nguyễn Thị Hiền, phường Định Công (Hoàng Mai):Phải quản lý chặt chẽ để việc thực hiện các dự án có tính đồng bộ
Từ xưa đến nay, đường và hè phố của Hà Nội vẫn luôn trong tình trạng đào thì lâu, lấp thì ẩu… Việc diễn ra như "cơm bữa", người dân bức xúc nhưng đành bất lực vì cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát. Đề án "Cải tạo chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020" nghe có vẻ khá "dài hơi" và mang tính hệ thống, tính dự báo. Nhưng nếu các cơ quan chức năng... không phối kết hợp và vẫn thiếu đồng bộ trong việc thực hiện các dự án thì hè phố vẫn bị "băm nát" và điệp khúc "sáng ngành điện lấp, chiều ngành nước đào" sẽ vẫn lặp lại. Theo tôi, với thực trạng vỉa hè như "tấm áo vá" hiện nay thì Sở Giao thông - Vận tải phải nhận trách nhiệm khi đã buông lỏng quản lý và để quản lý tốt hơn thì đơn vị này cần phải làm tốt khâu quy hoạch, phải là đầu mối vận hành để điều chỉnh cho các dự án được thực hiện một cách đồng bộ.