Đòi hỏi ý chí và quyết tâm cao
Chính trị - Ngày đăng : 06:13, 12/09/2013
Diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội: Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tham nhũng dễ diễn ra từ việc lập, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, định giá thu hồi đất. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xảy ra tình trạng cán bộ ngân hàng tiếp tay, móc nối với người bên ngoài thông qua các hoạt động cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính... để chiếm đoạt tài sản. Trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, các sai phạm chủ yếu là tham ô, cố ý làm trái, xảy ra ở các khâu lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch cấp vốn, đấu thầu, tư vấn giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình... Trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước, các doanh nghiệp biểu hiện tham nhũng chủ yếu là giấu bớt và định giá tài sản, đất đai thấp hơn giá trị thực tế khi cổ phần hóa hoặc bán, cho thuê doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nhiều băn khoăn về hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ, việc chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy thi đua... Đối tượng tham nhũng ngày càng đa dạng, từ những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức, chuyên môn đến những cán bộ, công chức, viên chức bình thường. Quy mô, phương thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội tham nhũng luôn thay đổi, tinh vi và đa dạng.
Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên là một trong những lĩnh vực có nhiều tiêu cực. Ảnh: Đàm Duy |
Trong khi đó, thực tế công tác thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác điều tra, thu thập tài liệu chịu thách thức bởi khả năng che giấu tinh vi của loại tội phạm này. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng do những quy định ràng buộc, cơ quan công an khó tiếp cận các nguồn tài liệu. Công tác giám định tư pháp thường kéo dài, nhất là đối với trường hợp trưng cầu cơ quan thuế, kiểm toán. Nhiều trường hợp như cổ phiếu, chứng khoán không giám định được. Các cơ quan tư pháp vẫn kêu khó định tội danh vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Đòi hỏi quyết tâm cao
Thực hiện Luật PCTN và Nghị quyết TƯ 3 (khóa X), thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện công tác PCTN trên các lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến Chương trình số 15-CTr/TU ngày 23-11-2006 của Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN", Kế hoạch số 15 của UBND TP về "Thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 trên địa bàn TP Hà Nội". Tiếp đến, Thành ủy (khóa XV) đã ban hành Chương trình 09-CTr/TU về "Đẩy mạnh đấu tranh, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015". Thực hiện những nội dung này, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác nhằm hạn chế môi trường tham nhũng.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, các cơ quan tư pháp thành phố đã tích cực đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Tính từ ngày 1-1-2011 đến 30-6-2013, CATP đã khởi tố, điều tra 72 vụ, 186 bị can phạm tội tham nhũng. Đến nay, số vụ, bị can đã có kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố là 53 vụ, 157 bị can, đạt 73,6% số vụ án thụ lý. Đã có 50 vụ với 123 bị cáo phạm tội tham nhũng được xét xử sơ thẩm. Ngành tòa án đã áp dụng hình phạt tử hình đối với 1 bị cáo, tù chung thân 3 bị cáo, tù giam đối với 73 bị cáo... Đặc biệt, thành phố đã xử lý dứt điểm 5 vụ án tham nhũng lớn: Lê Quang Khải, Lê Thanh Hải (giao dịch viên Chi nhánh cấp 3 Ngân hàng NN&PTNT huyện Mỹ Đức) chiếm đoạt trên 45 tỷ đồng; vụ Đào Thành Long (Phó Giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam) chiếm đoạt trên 26,6 tỷ đồng; vụ Vũ Song Hải (Thanh tra Xây dựng phường Hạ Đình, Thanh Xuân) nhận hối lộ 100 triệu đồng; vụ Đoàn Tiến Dũng (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Việt Nam) nhận hối lộ và vụ Nguyễn Tiến Dũng (cán bộ xã Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ) lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng đoàn kiểm tra nhận định: "Những nỗ lực của Thành ủy và các cấp ủy Đảng, các cơ quan chức năng TP Hà Nội trong PCTN đã góp phần bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn". Trưởng đoàn kiểm tra cũng ghi nhận tinh thần cầu thị của cấp ủy, chính quyền thành phố, đã thẳng thắn chỉ rõ những việc chưa làm được để tập trung khắc phục thời gian tới. Tiếp thu ý kiến của Đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái khẳng định, Đảng bộ thành phố sẽ đẩy mạnh công tác PCTN trong thời gian tới. Cùng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Hà Nội mong muốn nhận được hỗ trợ của cơ quan trung ương, đặc biệt là sự ủng hộ, tích cực tham gia của nhân dân nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm tham nhũng.