Làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra những hạn chế trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Chính trị - Ngày đăng : 15:55, 11/09/2013
Sau gần 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về bảo hiểm y tế. Việt Nam đang từng bước tiếp cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Chính sách Bảo hiểm y tế Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro rất cao giữa những người tham gia bảo hiểm y tế. Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được cải thiện, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng dần, kể cả một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền. Tuy nhiên, tình trạng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tuyến, trái tuyến ngày càng gia tăng, gây quá tải bệnh viện và giảm chất lượng phục vụ người bệnh. Chưa kiểm soát chặt chẽ việc lạm dụng bảo hiểm y tế, cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế gây lãng phí ngân sách Nhà nước và quỹ Bảo hiểm y tế, vướng mắc trong việc thanh toán giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với bệnh viện, tổ chức y tế địa phương, nhất là tuyến huyện và xã chưa phù hợp với pháp luật hiện hành; chưa phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác y tế nói chung, bảo hiểm y tế nói riêng, do đó, kết quả triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế còn nhiều hạn chế...
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN. |
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát đã đánh giá sâu sắc, toàn diện kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Sau 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, đến năm 2012, đã có thêm gần 8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, nâng tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 59 triệu người, chiếm gần 70 % dân số. Quỹ Bảo hiểm y tế từ chỗ bội chi hơn 3 nghìn tỉ đồng năm 2009, đến năm 2012 đã cân đối và kết dư 13 nghìn tỉ đồng; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, nhiều tồn tại, bất cập cũng đã được các đại biểu phân tích. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến trên vẫn diễn ra phổ biến. Thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế còn phức tạp, rườm rà, mất nhiều thời gian chờ đợi. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế ở nhiều nơi chưa được cải thiện. Đây chính là lý do khiến nhiều người dân chưa “mặn mà” tham gia bảo hiểm y tế.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, quan trọng nhất là phải có y đức. Chúng ta phải có chính sách thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ngành bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phải tạo được dịch vụ hấp dẫn cho người dân thì mới lâu bền được.
Dẫn chứng về vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Hiện nay, các hình thức lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế tại các bệnh viện ngày càng tinh vi, khó phát hiện, song chưa có công cụ và biện pháp để kiểm soát hiệu quả.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, cụ thể là Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội khi để xảy ra những tồn tại, hạn chế này.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị, làm rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nói trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhưng phải cụ thể, phải gắn với từng chủ thể và trách nhiệm của từng cơ quan trong triển khai công việc, tiến tới năm 2014, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế./.