Bài 2: Quy hoạch thiếu, giám sát yếu

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:37, 11/09/2013

(HNM) - Tại nhiều tuyến phố, vỉa hè vừa được nâng cấp, cải tạo, lát mới vẫn bị đào xới, cắt xén dẫn đến xuống cấp, gây bức xúc trong nhân dân.

Thiếu quy hoạch tổng thể

Có thể khẳng định, đề án "Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020" mà Sở GTVT Hà Nội mới trình thành phố cũng như xin ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan và các quận là cần thiết nhằm chỉnh trang hè phố, đô thị. Chỉ có điều, dư luận nhân dân cũng như nhiều nhà khoa học băn khoăn: Việc thực hiện đề án ngay trong năm 2013 có quá vội vàng? Liệu sau khi thực hiện, việc đào bới hè đường có còn tái diễn như thời gian vừa qua? Và rằng, các tuyến hè phố có giữ được lệnh "cấm đào" trong thời gian ít nhất là 5 năm như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi trong buổi làm việc với các sở, ban ngành và quận huyện liên quan góp ý đề án "Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020"?

Vỉa hè vừa làm xong lại được đào lên để thi công công trình ngầm.


Nhìn nhận lại thực trạng quản lý hè đường thời gian qua, hầu hết các ý kiến cho rằng, vỉa hè Hà Nội vẫn thiếu một quy hoạch tổng thể, dẫn đến hiện tượng các đơn vị liên tục đào bới, lắp đặt hệ thống công trình ngầm. Ông Ngô Thùy Sỹ, Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Bình Thiên cho rằng, sở dĩ các đơn vị liên tục đào bới vỉa hè, lòng đường là do quy hoạch hè phố chưa rõ ràng. Lẽ ra, việc quy hoạch, như đề án mà Sở GTVT đang trình thành phố, phải được lập từ nhiều năm trước. Chưa nói chuyện đề án đã hoàn thiện hay chưa, còn bất cập hay không nhưng trên cơ sở quy hoạch chi tiết, tổng thể, các đơn vị liên quan như điện, nước, viễn thông, cây xanh phải có kế hoạch thực hiện các dự án trên từng tuyến phố. Chỉ khi các đơn vị này hoàn thiện dự án thì việc thi công hè phố một cách đồng bộ, cố định mới có thể thực hiện. Có như thế, hè phố mới tương đối ổn định, bảo đảm mỹ quan đô thị, tránh việc đào, lấp gây hư hỏng, xuống cấp. Lấy dẫn chứng, ông Sỹ cho rằng, điển hình là việc hạ ngầm các đường cáp nổi của thành phố. Theo kế hoạch, đến hết năm 2015, thành phố sẽ hạ ngầm toàn bộ đường dây cáp đi nổi ở 312 tuyến phố, trong đó có 49 tuyến hạ ngầm toàn bộ, 63 tuyến hạ ngầm dây cáp thông tin và sắp xếp đường dây đi nổi ở 200 tuyến phố. Như vậy, với chương trình chung của thành phố, những tuyến phố chưa hoàn thiện việc hạ ngầm chắc chắn không thể tránh khỏi việc vỉa hè mới lát lại bị lật lên như lâu nay vẫn thấy.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Ngô Quý Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, trong công văn gửi Sở GTVT cũng cho rằng, để thực hiện được đề án, cần phải có số liệu thống kê đầy đủ về tình hình sử dụng, quản lý vỉa hè, chất lượng hiện tại của các vỉa hè. Đặc biệt, cần thống kê đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật nổi như cột điện, trạm biến áp, tủ thông tin…để có giải pháp cải tạo, xử lý và quản lý phù hợp. Hơn nữa, hiện nay, Sở này cũng đang trong quá trình thực hiện đề án cải tạo cây xanh đường phố. Nếu không có sự phối hợp, không có lộ trình hợp lý sẽ dẫn đến hiện tượng chồng chéo và khó tránh khỏi cắt xén, đào bới vỉa hè, kể cả đối với những đoạn có thể vừa thi công xong. Và như thế, lệnh cấm đào xới trong vòng 5 năm sau "đại tu" hè phố theo chỉ đạo của thành phố là rất khó thực hiện.

Ông Tô Dũng Thái, Phó Giám đốc Viễn thông Hà Nội cũng như ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho rằng, Sở GTVT cần thông báo trước kế hoạch cải tạo cũng như có lộ trình, tiến độ cụ thể để các đơn vị này có kế hoạch thực hiện. Hơn nữa, các đơn vị liên quan cũng cần được họp bàn cụ thể, kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn thông tin, an toàn lưới điện và mỹ quan đô thị.

Giám sát, quản lý còn yếu

Như đã đề cập, từ tháng 10-2012, UBND thành phố đã có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc cấp phép đào hè, đường và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân xây dựng công trình liên quan đến hệ thống hạ tầng giao thông. Đặc biệt, sau khi cấp phép, đơn vị này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác hoàn trả mặt bằng, bảo đảm chất lượng công trình cũng như chỉ đạo Thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra, kiên quyết đình chỉ thi công đối với các đơn vị thi công không đúng giấy phép, không tuân thủ quy định… Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết các tuyến hè phố sau khi bị đào xới, chất lượng hoàn trả mặt bằng quá kém gây ra hiện tượng sụt lún, dập vỡ vỉa hè. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội lại cho rằng, dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều tuyến hè phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng… đã được cải tạo, song chưa đáp ứng được yêu cầu chỉnh trang đô thị. Trong khi đó, thói quen bám vỉa hè kinh doanh, phương tiện giao thông đi lên vỉa hè để tìm đường thoát ùn tắc đã khiến nhiều tuyến hè phố xuống cấp, nhếch nhác, mất mỹ quan.

Còn bà Hoàng Anh - Phó Chánh văn phòng Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều đơn vị thi công các công trình ngầm trên hè phố thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, bảo đảm chất lượng công trình. Thậm chí có những đơn vị sử dụng lao động phổ thông, không có năng lực và kinh nghiệm khi tiến hành thi công các công trình ngầm. Trong suốt thời gian thi công, các chủ đầu tư không có cán bộ giám sát an toàn. Bà Hoàng Anh cho rằng, các chủ đầu tư cần chú trọng đến năng lực chuyên môn và vấn đề an toàn lao động khi chọn đơn vị thi công. Đồng quan điểm với đơn vị Điện lực Hà Nội, ông Vũ Minh Thành, chủ cửa hàng điện thoại di động trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) bức xúc, hiện nay trên nhiều tuyến phố, vỉa hè sau khi thi công các đơn vị đã không lu, lèn hoàn trả kỹ dẫn đến hiện tượng sụt lún, hư hại chỉ sau thời gian ngắn. Thậm chí, nhiều đơn vị thi công không hoàn trả mặt bằng theo nguyên trạng gạch lát mà "nhồi" xi măng vào cho nhanh. Không những thế, do làm ẩu nên nhiều đơn vị "đắp" thành gò, thành đống xi măng trên đường để… trừ hao, đề phòng chuyện hè đường bị sụt lún. So sánh ví von, ông Thành bảo: "Cứ nhìn thì thấy, vỉa hè Hà Nội như chiếc áo thủng, áo vá, nát tươm bởi sự thiếu đồng nhất, mất mỹ quan đô thị". Đề xuất phương án quản lý, ông Thành cho rằng, việc quản lý cũng như "đại tu" hè đường lần này cần phải được giao về cho các quận, huyện trực tiếp rà soát và phối hợp với các đơn vị liên quan lên kế hoạch tổng thể . Và điều này cũng được bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thể hiện khi góp ý kiến rằng: Cần phải bổ sung nhiệm vụ của các quận, huyện trong việc đầu tư, cải tạo hè phố theo sự phân cấp quản lý. Bởi xét đến cùng, UBND các quận, huyện cũng có đầy đủ các phòng, ban chức năng, trong đó chủ công là Phòng Quản lý trật tự đô thị và lực lượng Thanh tra giao thông. Nếu giao cho các quận, huyện, việc kiểm tra, giám sát sau thi công mới được giám sát chặt chẽ, tránh việc thi công ẩu, thi công tùy tiện gây xuống cấp hè phố sau cải tạo.

Rõ ràng, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu quản lý, giám sát sau cấp phép đào đường, hè phố khiến nhiều tuyến phố Hà Nội trở thành tấm "áo vá" từ nhiều năm nay. "Đại tu", "thay áo" cho đường phố Hà Nội là điều nên làm và cần làm, nhưng để thành công, chúng ta cần có một giải pháp có tính chất đồng bộ, lâu dài và toàn diện. Về vấn đề này, Báo Hànộimới sẽ thông tin trong số báo tiếp theo.

Nguyễn Ngọc Hải