Ứng phó với biến đổi khí hậu: Ngành nông nghiệp vẫn lúng túng, bị động
Xã hội - Ngày đăng : 06:03, 11/09/2013
Những vấn đề này đã được bàn thảo tại hội nghị "Ngành nông nghiệp Việt Nam ứng phó với BĐKH: Cơ hội và thách thức" do Bộ NN&PTNT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức ngày 10-9 tại Hà Nội.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Hà Nội đang xây dựng trạm bơm Đan Hoài, chủ động cung cấp nước tưới cho hơn 7.000ha đất nông nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Những hệ quả nhãn tiền
Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng vừa là nguồn tác động gây ra phát thải khí nhà kính (KNK). Ở Việt Nam, phát thải KNK từ nông nghiệp có tỷ trọng cao nhất, chiếm 43,1%, trong đó lĩnh vực canh tác lúa nước chiếm 57,5%; sử dụng đất nông nghiệp 21,8%; chăn nuôi và chất thải chăn nuôi 11,9%... Đáng ngại nhất là lĩnh vực trồng trọt, nước biển dâng có thể làm mất đất và nhiễm mặn ở hai đồng bằng lớn nhất nước là sông Cửu Long và sông Hồng. Cục Trồng trọt cho biết, BĐKH tác động khiến tổng sản lượng trồng trọt có thể giảm từ 1 đến 5%; năng suất các cây trồng chính giảm đến 10%, trong đó nguy cơ nhất là cây lúa. Các dự báo cho thấy đến năm 2100, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm, tương đương hơn 40% tổng sản lượng lương thực" - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng cảnh báo. Nguy hiểm hơn khi nước biển dâng cao có thể 2,4 triệu héc ta đất bị ngập mặn. Hiện mức độ nhiễm mặn trên 4 phần nghìn đã lấn sâu vào 30 đến 40km tại một số nơi ở Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long với diện tích khoảng 1,3 triệu héc ta.
Một thách thức không nhỏ khác là thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại kèm theo những đột biến khó lường. Chỉ tính trong 15 năm gần đây, thiên tai đã làm chết và mất tích 10.711 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm. Trong vòng 50 năm (1956-2011) đã có 422 trận bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam và có đến 80-90% dân số chịu tác động; tình trạng hạn hán gần như năm nào cũng xảy ra...
Cần đội ngũ nhân lực trình độ cao
Nhận thức sâu sắc về những hệ quả do BĐKH gây ra, từ năm 2008 đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đã triển khai những biện pháp như xây dựng giải pháp quy hoạch bảo đảm 3,8 triệu héc ta đất lúa, trong đó 3,2 triệu héc ta canh tác 2 vụ, thúc đẩy mô hình "cánh đồng mẫu lớn" để bảo đảm an ninh lương thực; giảm phát thải KNK qua kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, sử dụng tiết kiệm chi phí đầu vào; thúc đẩy quy trình VietGAP và ứng dụng công trình khí sinh học trong chăn nuôi; cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hải sản; đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng; xây dựng các hệ thống chống ngập, nước biển dâng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo về BĐKH (Bộ NN&PTNT) Đinh Vũ Thanh, thách thức lớn nhất đối với ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là hạn chế trong công tác điều phối BĐKH của ngành, trong đó việc ứng phó vẫn lúng túng, bị động; cán bộ khoa học trình độ cao ít; thiếu sự chỉ đạo mạnh mẽ cấp cộng đồng ở các địa phương... Đáng nói là hệ thống pháp luật còn thiếu, chưa sát với thực tế, sự phối hợp quản lý còn bất cập, thiếu hướng dẫn kỹ thuật cụ thể lồng ghép BĐKH... Một lĩnh vực đóng vai trò quan trọng khác là quản lý tài nguyên rừng bền vững để giảm phát thải KNK (dự án REDD+) được đánh giá là sáng kiến mới, nhưng theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, năng lực điều phối dự án còn yếu; sự hiểu biết cũng như sự ủng hộ, tham gia ở các cấp, các ngành, chủ rừng, người dân chưa cao.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có những hành động cụ thể hơn, tập trung vào các ngành lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi để nông dân thấy được kết quả tích cực từ thay đổi công nghệ và tập quán sản xuất. Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm phát thải 20% lượng KNK (tương đương 18,87 triệu tấn CO2e); bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ngành (2,6-3%/năm đến năm 2015 và 3,5-4% giai đoạn 2015-2020), giảm tỷ lệ đói nghèo... Để cụ thể hóa mục tiêu này, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Việt Nam đang thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong điều kiện BĐKH đến năm 2020 với việc tái cơ cấu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, riêng lĩnh vực ứng phó, thích ứng với BĐKH sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; huy động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi...; tăng cường về thể chế, chính sách và năng lực thực hiện; phối hợp hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó giữa các cơ quan, tổ chức quốc tế...