Bài cuối: Tận dụng thời cơ, tạo đà chuyển biến
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 05:58, 11/09/2013
Để nhân rộng những điển hình
Trong hơn hai năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tại Hà Nội, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ví dụ như quận Hoàn Kiếm, ở mỗi lĩnh vực, tầng lớp, độ tuổi, thậm chí mỗi ngành hàng buôn bán đều có những tấm gương như "cây sáng kiến" Nguyễn Thị Hợp (phường Hàng Đào), chị Phi ngành hàng tạp phẩm ở chợ Đồng Xuân làm từ thiện, bà Tề (phường Hàng Đào) gương mẫu nuôi dạy con theo nếp người Hà Nội... Tại các địa phương, các đơn vị khác đều có những con người, những việc làm tiêu biểu đáng để học tập. Đây là điều kiện rất tốt để nhân lên ngày càng nhiều những việc làm hay, những con người tích cực trong cộng đồng. Chỉ thị 03 đã nêu rõ, nhiệm vụ của các cấp ủy là đẩy mạnh tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về các điển hình tiên tiến bằng nhiều hình thức phong phú và sinh động.
Tuy nhiên, nhiều cấp ủy Đảng địa phương, đơn vị chưa coi trọng đúng mức, thiếu đầu tư cho công tác tuyên truyền, phổ biến những việc làm tốt, những tấm gương tiêu biểu. Các đoàn kiểm tra về Chỉ thị 03 của Thành ủy đã ghi nhận tình trạng này có ở hầu hết 25 đơn vị được kiểm tra. Cá biệt như Đại học Quốc gia Hà Nội, cán bộ cấp ủy cho biết: Chưa làm tốt công tác phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu là vì... ngại! Lý giải này tuy ngắn, có vẻ khó hiểu, nhưng bộc lộ đúng thực tiễn đang diễn ra không chỉ ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì "ngại" nên nhiều cấp ủy Đảng không chịu sáng kiến, sáng tạo cách làm mới. Vì "ngại" nên không chịu đầu tư công sức, thời gian cho việc này. Vì "ngại" nên khi gặp khó khăn về kinh phí, về con người là né tránh. Từ phát hiện đến biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu vẫn duy trì kiểu "xuân thu nhị kỳ", "đến hẹn lại lên" nên việc nhân rộng các điển hình gặp nhiều hạn chế.
Tình trạng thiếu quan tâm, đầu tư của các cấp ủy trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 còn thể hiện trong việc không chọn ra việc có trọng tâm, trọng điểm, tiêu biểu để làm. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, ở huyện Sóc Sơn có phong trào nổi tiếng là "Tiếng trống học tập"; xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm có mô hình "đám tang văn minh". Hai phong trào tuy nhỏ, nhưng tạo được tiếng vang,
có tác động làm chuyển biến nhận thức thật sự của người dân. Nhưng số lượng những mô hình hay cách làm như trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn vào báo cáo thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức của các địa phương, đơn vị thấy ở lĩnh vực nào cũng triển khai, cũng có tấm gương tiêu biểu, nhưng tổng hợp lại thì ở đâu cũng đều đều, ít có phần việc hay hoặc mô hình nổi trội được thực hiện "ra tấm ra món". Đây là biểu hiện sự thiếu quyết tâm của các cấp ủy trong việc thực hiện Chỉ thị 03.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn hình thức, kém hiệu quả là do công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy không tốt. Theo Kế hoạch 20 của Thành ủy Hà Nội, định kỳ 6 tháng một lần, các cấp ủy phải tổ chức kiểm tra, giao ban việc thực hiện Chỉ thị 03 một lần. Tuy nhiên, tình trạng bỏ mặc, không kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 03 diễn ra khá phổ biến. 25 quận, huyện, đơn vị mà các đoàn kiểm tra của Thành ủy Hà Nội vừa làm việc, hầu như chưa nơi nào tổ chức kiểm tra quá hai lần việc thực hiện Chỉ thị 03 trong suốt hơn hai năm qua. Không kiểm tra cũng có nghĩa là không kịp thời chấn chỉnh những tập thể, cá nhân làm chưa tốt, dung túng cho cách làm lơ là, hời hợt, hình thức.
Vì không kiểm tra, đánh giá định kỳ thường xuyên, cộng với việc chưa xây dựng xong tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cho từng đơn vị và không đồng đều về khâu đăng ký phần việc làm theo, nhiều cấp ủy đã không thực hiện được một trong những yêu cầu chủ yếu của Chỉ thị 03 là: "Lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm". Trong báo cáo mà các đơn vị gửi đoàn kiểm tra của Thành ủy vừa qua, hầu hết đều thừa nhận đây là một hạn chế.
Có thể khẳng định, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã định hình một giải pháp quan trọng giúp các cấp ủy trong thực thi các nhiệm vụ chính trị. Nhờ tích cực thực hiện, tại nhiều đơn vị, địa phương, tinh thần và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên; hiệu năng trong thực thi công vụ, triển khai các phong trào thi đua được tăng cường. Thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những việc làm tốt, những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất hiện ngày càng nhiều. Ngược lại, ở những nơi hạn chế, yếu kém trong việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì chất lượng công tác cũng bộc lộ hạn chế, tốc độ phát triển chậm hơn, không tận dụng được cơ hội mà việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 20 của Thành ủy tạo ra.
Hiệu quả của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã rõ. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm, đi đầu, nêu gương của cán bộ, đảng viên và tập thể cấp ủy các cấp nhằm tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong toàn Đảng bộ thành phố. Tin tưởng rằng, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03 gắn với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" sẽ là động lực, khâu đột phá để các cấp, các ngành hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra.