Người trẻ và ký ức về chiến tranh
Văn hóa - Ngày đăng : 06:44, 10/09/2013
Một phần trưng bày trong triển lãm “Sinh năm 1983/Khâm Thiên”. |
Bàng Nhất Linh sinh năm 1983, tại Khâm Thiên - con phố phải hứng nhiều bom đạn nhất, còn được đặt tên là "Phố bom" vào cuối năm 1972 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội và từng có nhiều triển lãm sắp đặt cá nhân ấn tượng với những vật dụng, phương tiện sinh hoạt, giao thông hằng ngày. Tuy không sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, nhưng Bàng Nhất Linh luôn cảm giác nó vảng vất quanh mình qua những câu chuyện của người thân và đôi khi nhặt được một phần chứng tích của những ngày bi thảm đó. Dần dà, anh gắn bó và nâng niu những kỷ vật, rồi quyết định cất công sưu tầm những vật phẩm của chiến tranh. Một người trẻ, thuộc thế hệ 8X mà "sau gia đình, tôi dành hết thời gian và tiền bạc cho chúng" chắc chắn là người có đời sống nội tâm thực sự sâu sắc. Ít người biết, Bàng Nhất Linh âm thầm tìm kiếm, lưu giữ được một số lượng khá lớn món đồ như đầu đạn, một bộ phận nào đó của máy bay, súng, những mảnh vỡ, những phế phẩm từ chiến tranh… được chế tác lại thành những vật dụng hằng ngày. Hiện giờ, quý giá nhất, Bàng Nhất Linh cho biết, anh sở hữu một số bộ phận của chiếc máy bay tiêm kích MiG-21 loại máy bay chủ lực của không quân Việt Nam những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ: Ghế lái, mũi, một số mảnh cánh...
Một phần trong bộ sưu tập những vật phẩm chiến tranh đó đã được Bàng Nhất Linh đưa vào triển lãm "Sinh năm 1983/Khâm Thiên" để giới thiệu tới công chúng. Đó là vật dụng có thể sử dụng hằng ngày như bình hoa, chiếc cốc, phích nước… được những người cựu binh hoặc người dân khéo tay chế tác lại từ đầu đạn, súng ống, mảnh vỡ của máy bay, pháo... Trên đó, còn nguyên dấu chạm khắc kỷ niệm, những hình khắc hoa văn giản dị mà rất tinh xảo. Chúng vừa như vật kỷ niệm bước ra từ cuộc chiến, vừa hữu dụng trong cuộc sống của chủ nhân ban đầu được nghệ sĩ trẻ rất tôn trọng, đề rõ xuất xứ và vũ khí nguyên gốc chế tạo ra nó. Không chỉ sưu tầm và trưng bày vật phẩm đã chế tác, chính Bàng Nhất Linh đã chế ra những chiếc bập bênh, ghế ngồi chơi bóng cho trẻ con rất lạ và thú vị từ xác máy bay chiến đấu. Những vật dụng ấy không chỉ nhắc nhở chúng ta về những gì mà cha anh đã phải trải qua, mà còn là cách những người trẻ, thế hệ hậu chiến tìm hiểu và trên tất cả là trải nghiệm về chiến tranh. Ngoài ý nghĩa lịch sử, giá trị sử dụng thì các vật phẩm chế tác từ chiến tranh mang giá trị thẩm mỹ đặc biệt, mà theo tác giả của triển lãm: "không hiểu sao tôi thấy chúng rất đẹp, vẻ đẹp giản dị và rất có hồn". Đi khắp đất nước để sưu tầm những món đồ như vậy, Bàng Nhất Linh giúp người xem hiểu được sự khác biệt, gu thẩm mỹ của người dân các địa phương khác nhau. "Người miền Nam thì thích những họa tiết cầu kỳ, được chạm khắc thật tỉ mỉ lên các vật dụng, còn người miền Bắc thì lại ưa những hình dáng đơn giản mà thanh thoát", Nhất Linh cho biết.
Một phần của triển lãm, Bàng Nhất Linh cho chiếu video do anh tự thực hiện về cựu binh người Bru (Vân Kiều) ở Ka Tăng cuối đường 9 thuộc tỉnh Quảng Trị. Người cựu binh này đã cải tạo những hố bom trên núi, trước đây đã từng có những trận chiến ác liệt, để thành ao nuôi cá, gây xúc động thực sự với người xem.
Ban đầu chỉ là sự sở hữu, rồi yêu thích, say mê và đến giờ, Bàng Nhất Linh tiết lộ anh đã có ý định thực hiện một dự án lớn dành cho những sáng tác từ vũ khí chiến tranh còn sót lại. Và "Sinh năm 1983/Khâm Thiên" mới chỉ là triển lãm mở đầu cho dự án của một người thuộc thế hệ hậu chiến muốn đi vào tầng sâu của ký ức, lịch sử dân tộc.