Xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Người cười, kẻ khóc!

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:41, 10/09/2013

(HNM) - Mặc dù thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung trong mùa tuyển sinh 2013 kéo dài tới ngày 31-10, tuy nhiên, gần hết thời gian đợt thứ nhất, bức tranh xét tuyển đã hé lộ cùng một số vấn đề...

Nguồn thí sinh đạt điểm sàn cao hơn mọi năm đã giúp các trường khó tuyển đủ chỉ tiêu phần nào yên tâm hơn. Tuy nhiên, đợt xét tuyển đầu tiên (từ ngày 20-8 đến 10-9) dường như vẫn là "sân chơi" chủ yếu dành cho các trường công lập. Số hồ sơ vẫn đổ về các trường nhóm này với số lượng lớn, nhiều khi gấp hàng chục lần chỉ tiêu khiến mức điểm chuẩn xét tuyển được dự báo sẽ ở mức cao tương xứng với mặt bằng điểm thi và điểm chuẩn nguyện vọng 1. Đó là các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông... Riêng Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã thu được ít nhất là 3.800 hồ sơ, gấp hơn 20 lần so với chỉ tiêu xét tuyển. Đến hết ngày 4-9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhận được 593 hồ sơ trong khi chỉ tiêu xét tuyển là hơn 100. Trường ĐH Y Hà Nội, sau những bối rối với mức điểm chuẩn "khủng" cũng xét tuyển bổ sung cho 2 ngành khác với điểm nhận hồ sơ rất cao: ngành y học cổ truyền từ 25 điểm, ngành y tế công cộng từ 22 điểm... 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cập nhật thông tin xét tuyển.


Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ông Lê Văn Thành cho biết, trường có chỉ tiêu xét tuyển là 760, với điểm nhận hồ sơ tùy ngành là từ 17 đến 22 điểm. Tuy nhiên, số hồ sơ đã lên tới con số hơn 2.500 và bởi vậy, trường sẽ xem xét xin ý kiến Bộ GD-ĐT để thông tin cho thí sinh ở ngưỡng điểm nào thì nên nộp hồ sơ vào trường, tránh tình trạng mất cơ hội nộp hồ sơ vào trường khác.

Tuy nhiên, trong khi các thí sinh nộp đơn vào các trường công lập phải cạnh tranh khốc liệt thì nhiều em không nhận được sự hỗ trợ đắc lực như mong đợi khi cập nhật thông tin trên trang web của các trường. Nhiều trường nằm trong danh sách nhận được nhiều hồ sơ đã không đưa danh sách thí sinh nộp hồ sơ lên trang web như quy định. Tính tới ngày 9-9, số này có ĐH Điện lực, ĐH Xây dựng, ĐH Y Hà Nội. Trường "chịu khó" cập nhật thông tin cho thí sinh là Học viện Báo chí và Tuyên truyền cập nhật hai lần mới nhất vào các ngày 5-9, 8-9. Còn ĐH Bách khoa Hà Nội đưa thông tin mới nhất lên vào ngày 27-8, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cập nhật danh sách vào ngày 28-8 và 8-9... Để biết thông tin sơ bộ về lượng hồ sơ và mức độ cạnh tranh, thí sinh có khi phải đọc báo chứ không tìm được điều cần trên website của trường, nơi lẽ ra các em có thể biết rõ hơn cơ hội của mình thông qua thông tin về lượng hồ sơ cụ thể theo khối, ngành.

Thi riêng, chịu thiệt thòi

Về phía các trường, theo phản ánh của thí sinh, vẫn có hiện tượng lộn xộn trong việc gửi giấy gọi nhập học, nhiều thí sinh không đăng ký xét tuyển vẫn được trường mời nhập học. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận kết quả thi cũng được một số trường phản ánh là không khớp với kết quả của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT). Thậm chí, có trường CĐ còn cấp cả giấy chứng nhận kết quả thi ĐH cho các thí sinh dự thi vào trường để sử dụng vào việc đăng ký xét tuyển ở các trường khác.

Tình trạng thí sinh "ảo" vẫn là mối lo của các trường mặc dù năm nay Bộ GD-ĐT quy định thí sinh phải nộp giấy xét tuyển có dấu đỏ thay vì bản phô tô như năm ngoái. Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông Bùi Thiện Dụ cho rằng, lượng thí sinh "ảo" vẫn còn khá lớn với khoảng 900 nghìn học sinh lớp 12 tốt nghiệp và khoảng 1,2 triệu lượt thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Tính cả thí sinh tự do thì vẫn có hằng trăm nghìn thí sinh dự thi 2 trường.

Những nảy sinh gây bất lợi mà cả thí sinh và một số trường không lường trước được đã diễn ra xung quanh việc 10 trường được thí điểm trao quyền tổ chức thi riêng. Các thí sinh thi năng khiếu ở 10 trường này có rất ít cơ hội được xét tuyển vào các trường thi "3 chung" khác vì các em không phải thi môn văn, nên không có điểm môn văn để xét vào cùng khối thi. Trong khi đó, cơ hội xét tuyển nội bộ trong 10 trường thi riêng cũng rất ít ỏi. Ở khu vực phía Bắc, thí sinh không trúng tuyển vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam chỉ có thể xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương.

Mặc dù 10 trường này tổ chức thi khác thời gian với các trường thi "3 chung" nên thí sinh hoàn toàn có cơ hội thi thêm các trường "3 chung", tuy nhiên, những bất lợi kèm theo "thi riêng" lẽ ra nên được Bộ GD-ĐT đề cập trước khi thí sinh tham gia thi tuyển.

Quỳnh Phạm