Duy trì bền vững kết quả cải cách hành chính
Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 10/09/2013
Trong khi nhiều nơi còn lúng túng bởi đây là vấn đề mới thì tại 5 tỉnh (Đăk Lăk, Đăk Nông, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai) thực hiện khá hiệu quả, từ việc đã và đang triển khai Chương trình quản trị nhà nước và cải cách hành chính (GOPA) - do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.
Chương trình GOPA giai đoạn 2012-2015 nhằm tập trung giảm tệ quan liêu, tăng cường năng lực cán bộ công chức, đưa ra phương pháp quản lý hiện đại, cải tiến sự theo dõi đánh giá. Thực hiện Chương trình GOPA, 5 tỉnh (Đăk Lăk, Đăk Nông, Lai Châu, Điện Biên và Lào Cai) phải đề ra các kế hoạch bao gồm từ 30 đến 60 hoạt động với hơn 20 kết quả đầu ra trong 7 lĩnh vực cải cách nằm trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Điểm đáng chú ý là nội dung xác định vị trí việc làm đã được các tỉnh này thực hiện khá hiệu quả.
Ngay sau khi được Bộ Nội vụ tập huấn, 5 Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án mô tả vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Thuận lợi với tỉnh Đăk Nông bởi địa phương này đã bắt tay vào thí điểm xây dựng hệ thống từ năm 2012 tại huyện Krông Nô nên đến nay, huyện đã hoàn thành nhiều công việc: Thống kê, phân loại xong công việc cho tất cả các phòng; xác định xong vị trí các công việc của các phòng và đã dự thảo ban đầu mô tả công việc của các vị trí công việc của các phòng.
Việc nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan chính quyền địa phương gắn với phát triển kinh tế - xã hội cũng là nội dung được 5 tỉnh triển khai thành công nhờ áp dụng thí điểm Hệ thống quản lý theo kết quả của Chương trình GOPA. Mục đích và tính chất cốt lõi của áp dụng hệ thống này là giúp các tỉnh thí điểm một phương pháp tổ chức quản lý theo kết quả thực thi công việc. Theo đó, các tỉnh đã chọn các đề án phù hợp với thực tế tại địa phương để triển khai. Tiêu biểu là các đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục" (tỉnh Đăk Lăk); "Nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư đối với hệ thống thông tin đầu tư" (tỉnh Đăk Nông); "Tăng cường chất lượng quản lý hoạt động cơ chế một cửa" (tỉnh Lai Châu); "Duy trì, nâng cao chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin đất đai", "Nâng cao hiệu quả công tác cấp phép xây dựng và quản lý công trình theo giấy phép xây dựng" (tỉnh Lào Cai)... Mỗi đề án đều công khai nội dung, thời gian thực hiện và kết quả của từng giai đoạn, đồng thời có các tiêu chí và công cụ đánh giá chất lượng dịch vụ phục vụ cho việc quản lý đề án. Căn cứ vào đó, cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều giám sát được việc thực thi và hiệu quả của các đề án.
Có thể thấy, hệ thống quản lý theo kết quả cho từng đề án là cách làm hay không chỉ đối với các tỉnh thực hiện GOPA mà còn có thể nhân rộng ra các địa phương khác. Nhất là hiện nay, các địa phương đều phải xây dựng các kế hoạch từng năm, từng giai đoạn với nhiều chương trình, đề án nên rất cần một công cụ quản lý xuyên suốt từ đầu đến cuối để thẩm định hiệu quả trên thực tế, tránh tình trạng chậm tiến độ hoặc không phù hợp. Tại Hà Nội, trong chương trình CCHC của các đơn vị đang có nhiều đề án được mong đợi như: "Xây dựng mô hình khung chính quyền điện tử cấp huyện và mô hình điểm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông"; "Cơ quan điện tử cấp xã"; "Xây dựng cơ cấu công chức gắn với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh". Và ngay trong Chương trình 08 - Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015" cũng có tới 30 nhiệm vụ, đề án do 20 cơ quan chủ trì nhưng đến nay vẫn còn một số chậm tiến độ ngay từ khi xây dựng nội dung đề án.
Quay trở lại kinh nghiệm thực hiện Chương trình GOPA của các tỉnh nói trên, TP Hà Nội có thể yêu cầu các đề án đều phải chi tiết từ nội dung, thời gian thực hiện đến kết quả từng giai đoạn cũng như phải có công cụ đánh giá chất lượng để quản lý hiệu quả đề án. Kinh nghiệm trong việc xác định vị trí việc làm cũng có thể học hỏi ở việc thống kê, phân loại, mô tả công việc. Và quan trọng hơn cả là sự quyết tâm của lãnh đạo đơn vị, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, không nản lòng trước việc mới và khó. Đó chính là điều mà Hà Nội và các địa phương đều có thể tham khảo, áp dụng để thực hiện hiệu quả và duy trì bền vững công tác CCHC.