Hơn cả sự nhẫn tâm

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:42, 10/09/2013

(HNM) - Việc Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái nhiều năm nay đã chôn giấu hàng tấn thuốc trừ sâu quá hạn, không bảo đảm chất lượng hoặc đã bị loại khỏi danh mục được phép sử dụng và tình trạng sản xuất bằng công nghệ lạc hậu, chưa xử lý nước thải đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng một vùng rộng lớn thuộc hai huyện Yên Định và Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vừa bị phát hiện đang gây xôn xao dư luận cả nước mấy ngày qua.


Có nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng tập trung nhất là mấy vấn đề: Vì sao Công ty Nicotex Thanh Thái lại làm một việc trái lương tâm và pháp luật như vậy trong lúc họ hiểu rất rõ tác hại của việc mình làm; vì sao một việc làm như vậy được nhân dân phát hiện, tố cáo nhiều lần nhưng nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra không phát hiện ra? Và cuối cùng, câu hỏi từ bài báo này: Trên đất nước ta, liệu chỉ có Công ty Nicotex Thanh Thái hay còn bao nhiêu cái tên nữa đang nhẫn tâm phá hoại môi trường sống, giết hại người dân tương tự như vậy?

Chúng ta đã rõ tác hại ghê gớm của thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong nhiều năm qua đối với đất đai và sức khỏe con người. Đúng là phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có những lợi ích nhất định trong sản xuất nông nghiệp nhưng nó cũng mang lại hậu quả về sự tàn phá ghê gớm với môi trường: Đất đai nhanh bị chai cứng, bạc màu, cùng với những sâu bệnh gây hại bị tiêu diệt không ít các sinh vật có lợi cũng bị tàn sát. Trên đồng ruộng ngày nay, chúng ta thấy thưa vắng nhiều cua, cá, lươn, trạch, ốc, ếch nhái, giun dế thậm chí đến cào cào, châu chấu cũng không còn.

Đó là do tác động tiêu cực của thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học gây ra. Tiêu diệt các động vật cả tốt và xấu, đồng thời cũng gây hại với con người nhất là khi sử dụng hóa chất tràn lan, quá liều lượng, không đúng quy trình. Chính vì thế, Nhà nước ta đã có hàng loạt văn bản nhằm hướng dẫn cách sử dụng, xử phạt nghiêm các hành vi lơi lỏng trong vận chuyển, pha chế, đóng gói, bảo quản buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nicotex Thanh Thái rất biết điều đó nhưng đã cố tình vi phạm, chôn giấu hàng chục thùng phuy chất độc ngay tại khuôn viên của mình vì sợ… tốn tiền. Hành động trắng trợn, coi thường pháp luật đó dứt khoát phải xử lý nghiêm. Khi bài báo này lên khuôn, có thông tin cho biết Công ty Nicotex đã phải ngừng hoạt động, một số lãnh đạo công ty đã bị đình chỉ công tác, công an đã vào cuộc điều tra và vụ việc đang được gấp rút hoàn tất hồ sơ để khởi tố. Đó là những việc làm tuy chậm nhưng cần thiết, đáng hoan nghênh.

Nhưng liệu trên đất nước ta còn nơi nào tương tự như Thanh Thái nữa không? Thưa rằng có và còn nhiều nữa là khác. Tình trạng lơi lỏng trong quản lý sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng thuốc trừ sâu bấy nay chưa được chú ý đúng mức, gây nhiều tổn hại tới môi trường và sức khỏe con người. Báo chí và truyền hình đã nhiều lần phản ánh ở nơi này hoặc nơi kia vẫn còn nhiều nhà kho thuốc trừ sâu quá hạn sử dụng hàng chục năm vẫn chưa được xử lý. Không hiếm các cơ sở sang chiết, đóng gói, sản xuất thuốc trừ sâu chưa được trang bị đủ thiết bị an toàn cần thiết. Các phương tiện vận chuyển thuốc trừ sâu chưa được thiết kế đặc biệt và việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ còn khá tùy tiện. Việc vứt bỏ các chai lọ, bao ni lông đựng thuốc trừ sâu sau sử dụng khá tùy tiện, ở ngay bờ ruộng hay vứt thẳng xuống sông, hồ…

Người ta chê "mất bò mới lo làm chuồng", nhưng cũng không sao. Nhân dịp này, nên tiến hành tổng kiểm tra trên toàn quốc việc sản xuất, vận chuyển bảo quản, phân phối, sử dụng thuốc trừ sâu, chắc hẳn sẽ phát hiện nhiều chuyện đáng giật mình để từ đó có biện pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người tốt hơn.

Vũ Duy Thông