Tăng cường liên kết, chú trọng xây dựng thương hiệu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:28, 09/09/2013

(HNM) - Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Hồng trong 7 tháng đầu năm 2013 đạt 1.080 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao so với bình quân của cả nước.



Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa thoát khỏi tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ. Nhiều loại sản phẩm công nghiệp thiếu sức cạnh tranh; chi phí đầu vào cao và tiêu hao nhiều năng lượng do công nghệ lạc hậu. Một số doanh nghiệp (DN) còn yếu kém trong quảng bá, tiếp thị, chậm đổi mới công nghệ nên "tự làm khó mình", nhất là trong bối cảnh khi sức mua của nền kinh tế đang yếu, chưa thể phục hồi trong tương lai gần. Công nghiệp phụ trợ chưa được quan tâm đúng mức, kém phát triển nên đã và đang cản trở quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở một số địa phương. Thực tế này ngăn cản sự phát triển công nghiệp theo hướng đồng bộ và đa dạng; khó triển khai thực hiện mục tiêu gia tăng hàm lượng nội địa hóa đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo; từ đó mất cơ hội nhận được đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài và còn làm nản lòng nhà đầu tư ngoại có ý định đầu tư vào Việt Nam khi biết khả năng cung ứng linh kiện tại chỗ rất hạn hẹp.

Việc phát triển công nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cần hơn nữa sự liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp. Ảnh: Huy Hùng


Ngoài ra, trình độ phát triển công nghiệp, dịch vụ trong vùng còn có khoảng cách giữa các thành phố với tỉnh, giữa các tỉnh với nhau nên thiếu sự tương đồng để gia tăng hợp tác…

Về hướng hợp tác phát triển trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, mỗi tỉnh, thành phố cần chủ động trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, phát triển hoạt động công thương; phát hiện và hạn chế tồn tại, đồng thời phát huy tiềm năng. Qua tiếp xúc thường xuyên, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường phối hợp, hỗ trợ DN theo hướng bù đắp cho nhau, trở thành những địa chỉ cung cấp nguyên liệu, sản phẩm một cách chủ động để gia tăng mức tiêu thụ. Những năm qua, các địa phương, nhất là những thành phố như Hà Nội, Hải Phòng vẫn chủ động giới thiệu đối tác hoặc nhà đầu tư khi không thể tiếp nhận nhưng vẫn thấy phù hợp với các tỉnh bạn nhằm tạo cơ hội thu hút vốn, tạo việc làm cho toàn vùng; từ đó tạo động lực để tăng trưởng nhanh, bền vững.

Đại diện Bộ Công thương đề xuất, các cơ quan quản lý kết hợp với chính quyền tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; đặc biệt là công trình trọng điểm có khả năng hoàn thành ngay trong năm 2013 để tăng tốc giải ngân, bảo đảm việc làm cho người lao động, hỗ trợ đội ngũ DN, nhà thầu duy trì phong độ, tạo nguồn thu. Một khi các dự án đi vào hoạt động sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh, tạo điều kiện để khơi thông các nguồn lực, tiềm năng cho toàn vùng tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần chủ động thu xếp nguồn vốn và điều kiện cần thiết để mỗi địa phương phát triển hệ thống cụm, khu công nghiệp theo quy hoạch để thu hút DN trong và ngoài nước, ưu tiên lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, sản xuất sạch; làm nòng cốt để lan tỏa và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng cần ý thức sâu sắc về một thực tế là do điều kiện tự nhiên, xã hội tương đồng, dẫn đến việc các địa phương thường sản xuất những mặt hàng cùng chủng loại, na ná như nhau, có thể gây nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, phát sinh tồn đọng sản phẩm và triệt tiêu cơ hội phát triển. Vì vậy, mỗi địa phương nên nghiên cứu, xác định một số loại sản phẩm chất lượng cao, có dấu ấn độc đáo để tạo dựng thương hiệu, thâm nhập thị trường một cách bền vững theo định hướng "lẻ mà tinh"…

Hồng Sơn