Hoàn thành và quản lý tốt quy hoạch nông thôn mới
Xã hội - Ngày đăng : 05:59, 09/09/2013
Xác định vai trò quan trọng của nội dung quy hoạch, Ban chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy đã tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Đến nay, công tác quy hoạch NTM trên địa bàn thành phố đã hoàn thành, là cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội...
Đường làng, ngõ xóm tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) đã được đầu tư xây dựng, thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Thái Hiền |
Quy hoạch đi tiên phong
Triển khai chương trình NTM, công tác quy hoạch được các địa phương chú trọng và Mê Linh là một trong những huyện điển hình. Chỉ trong 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 8-2011), cả 16/16 xã của huyện lập xong quy hoạch và đến tháng 3-2012 đã được phê duyệt. Kinh nghiệm triển khai ở huyện Mê Linh cho thấy, quy hoạch NTM của các xã phải khớp nối với dự án đô thị, dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã và đang triển khai. Huyện xác định chỉ chọn một số quy hoạch cần thiết xây dựng chi tiết theo tỷ lệ 1/500, còn quy hoạch tổng thể của xã xây dựng tỷ lệ 1/2000. Nhờ vậy, đã tiết kiệm được 1/3 kinh phí, mỗi xã chỉ hết từ 400 đến 500 triệu đồng. Huyện Đông Anh nằm trong vùng đô thị, song đến tháng 7-2012 đã phê duyệt quy hoạch xong 23 xã.
Mục tiêu Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, đến hết năm 2012 phải hoàn thành công tác quy hoạch NTM tại 401 xã, tương đương với 401 đồ án của 19 huyện, thị xã. Đó là một nhiệm vụ khá nặng nề, khối lượng công việc giải quyết rất lớn, trong khi, bước triển khai ban đầu ở các địa phương còn rất lúng túng. Phó Trưởng phòng Quản lý quy hoạch nông thôn, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Bình cho biết: Trước những khó khăn trong công tác quy hoạch, Sở đã phân công cán bộ tham gia hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng NTM của 19 huyện, thị xã, phối hợp với các sở liên quan cải cách thủ tục hành chính tiếp nhận và thẩm định giải quyết nhanh hồ sơ NTM của các địa phương. Sở đã chuẩn bị, soạn thảo đầy đủ tài liệu khẩn trương đào tạo, tập huấn cho cán bộ xây dựng NTM. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo, chuyên viên của các huyện, thị xã; cán bộ xã, thôn của 19 xã làm điểm. Để công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng NTM chất lượng, tránh chỉnh sửa nhiều lần, cán bộ Sở đã xuống xã hướng dẫn và trực tiếp hỗ trợ việc triển khai lập quy hoạch và góp ý kiến quy hoạch của cơ sở. Sở phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình 02 chỉ đạo các huyện yêu cầu các xã phải trực tiếp làm quy hoạch, không phó mặc cho tư vấn, phải công khai bàn bạc lấy ý kiến nhân dân đóng góp để quy hoạch phù hợp thực tế và xuất phát từ yêu cầu của địa phương. Chính sự quán triệt và chỉ đạo cụ thể mà kết quả công tác quy hoạch của Hà Nội khá chất lượng, tính khả thi cao. Kết quả, cuối năm 2012, toàn bộ 401 xã đã được phê duyệt xong quy hoạch, trong đó có 255 xã địa bàn nông thôn thực hiện theo Luật Xây dựng; 83 xã thuộc khu vực phát triển đô thị thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị và 93 xã quy hoạch đô thị kết hợp nông thôn, Sở đã báo cáo Bộ Xây dựng hướng dẫn để triển khai theo đặc thù.
Kiên cố hóa kênh mương ở Liên Mạc, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Trọng Hải |
Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng, sau khi hoàn thành quy hoạch, tháng 12-2012, huyện đã chỉ đạo thành công xây dựng NTM ở xã điểm Liên Mạc đạt 19/19 tiêu chí. Năm 2013, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng tiếp 4 xã đạt chuẩn: Thạch Đà, Tiền Phong, Tráng Việt và Vạn Yên. "Trước đây khi chưa có quy hoạch, huyện rất lúng túng khi lựa chọn các hạng mục, công trình đầu tư. Sau khi có quy hoạch, việc xây dựng NTM được thực hiện khoa học, bài bản, tạo được niềm tin đối với người dân" - Ông Trọng cho biết thêm.
Huyện Đan Phượng, do làm tốt công tác quy hoạch, đã tạo điều kiện để triển khai các dự án đồng bộ. Đến nay, huyện đã xây dựng được 321,5km đường giao thông nông thôn. Người dân hiểu và thấy được những thuận lợi trong xây dựng NTM nên tích cực, chủ động đóng góp sức người, sức của xây dựng đường làng, ngõ xóm. Trong quá trình thực hiện đã có 179 hộ hiến hơn 1.000m2 đất để mở rộng đường, nối thông các xóm, ngõ. Huyện Chương Mỹ, đã làm tốt dồn điền, đổi thửa, khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, nâng cao giá trị sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã có 178/202 thôn, 31.491 hộ thực hiện xong dồn điền, đổi thửa. Sau dồn điền, đổi thửa, cơ bản các xã quy hoạch được quỹ đất công vào các vị trí bố trí xây dựng hạ tầng nông thôn theo quy hoạch xây dựng NTM. Đây là cơ sở để triển khai thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Thành công từ công tác quy hoạch ở Hà Nội đã góp phần quan trọng vào đẩy nhanh xây dựng hạ tầng nông thôn, bộ mặt nông thôn được đổi thay, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, đi lại và sản xuất của nhân dân. Các xã đều bố trí được quỹ đất công nên khi xây dựng các công trình phúc lợi rất thuận lợi, phù hợp quy hoạch. Đến nay, Hà Nội đã có 19 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 95 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí; 158 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí; 113 xã đạt và cơ bản đạt 5-9 tiêu chí; 16 xã đạt và cơ bản đạt dưới 5 tiêu chí. Dự kiến hết năm 2013, có 48 xã đạt tiêu chí NTM và đến năm 2015, Hà Nội có 40% số xã đạt chuẩn NTM.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái lưu ý các địa phương phải tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về thành công và kết quả của công tác xây dựng NTM. Quá trình triển khai cần được bàn bạc dân chủ để thống nhất việc nào, tiêu chí nào cần làm trước, ưu tiên các dự án sản xuất, các công trình phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Cần công bố quy hoạch rộng rãi để toàn dân biết và tham gia giám sát thực hiện theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Đặc biệt, trong xây dựng hạ tầng nông thôn, đến nay các địa phương đều đã có quy hoạch cần quản lý tốt quy hoạch, thực hiện đúng quy hoạch, tránh tình trạng chắp vá, phá vỡ quy hoạch đã được cấp trên phê duyệt mới hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng trong xây dựng NTM.