Nói gì về sự thay đổi trong năm học mới?
Xã hội - Ngày đăng : 06:46, 08/09/2013
Em Nguyễn Thu Nga, HS lớp 8C, Trường THCS Ái Mộ:
- Trong năm học này, em nghe nói phương pháp học tập có nhiều thay đổi, đặc biệt là chú trọng kỹ năng thực hành. HS được tham gia nhiều tiết thực hành, giúp cho việc học các môn học tự nhiên không còn khô khan và cứng nhắc. Kiến thức chúng em học được rất gần gũi với cuộc sống. Ngoài ra, việc "học đi đôi với hành" giúp HS dễ hiểu bài, chủ yếu là nhờ có sự hỗ trợ của hình ảnh trực quan sinh động. Em mong rằng, với phương pháp dạy và học mới mẻ, chúng em không phải "rập khuôn" hay trở thành cái máy "photo" sách vở, sẽ được thầy cô giáo khuyến khích sáng tạo, thỏa ước mơ tìm tòi, khám phá.
Các bài kiểm tra trong năm học này sẽ chú trọng nâng cao khả năng sáng tạo cho HS, như thế thì không phải cứ "học vẹt" là mong được điểm cao. Nhà trường cũng đầu tư phòng máy tính, máy chiếu, phòng thí nghiệm, giúp cho việc thực hành các môn học tự nhiên hiệu quả hơn.
Em Hoàng Văn Minh, HS lớp 9A3, Trường THCS Thành Công:
- Năm nay, em thấy nhiều trường đã sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Các thầy cô giáo soạn giáo án điện tử, tổ chức hội thảo chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp dạy học ở các môn toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn… Với cách học hiện đại này, chúng em không còn cảnh "đọc - chép", kiến thức được học không quá nặng nề mà được giảm tải ở nhiều môn, chú trọng kiến thức cơ bản. Đặc biệt, nhà trường còn có rất nhiều chương trình ngoại khóa, tăng cường giáo dục kỹ năng sống và giáo dục thể chất. Em rất thích các môn dạy thêu thùa, cắm hoa, nấu ăn, tin học…
Cô Nguyễn Thu Trang, phụ huynh HS, 132 Khương Thượng, Hà Nội:
- Cháu nhà tôi năm nay mới vào lớp 1 nên ngay từ đầu hè tôi thường xuyên đọc báo, xem tivi để nắm thông tin về đổi mới giáo dục. Trong những sự thay đổi của ngành giáo dục, tôi rất ủng hộ mô hình thí điểm đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học. Cụ thể, thay vì chấm điểm cho các cháu, thầy cô sẽ chỉ đánh giá, nhận xét dựa trên thái độ, hành vi, kỹ năng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của học sinh.
Theo tôi, mục tiêu của việc đánh giá này nhằm giúp cho HS tiểu học tiến bộ, động viên, khuyến khích các con vượt khó trong học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, chủ trương không chấm điểm rạch ròi sẽ làm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh, là cơ sở để thực hiện mục tiêu tránh căn bệnh thành tích. Nếu mô hình này được mở rộng thêm ở nhiều trường tiểu học thì chắc chắn sẽ không còn cảnh các cháu mới học mẫu giáo đã phải vất vả học chữ, học đọc, học toán trong cuộc "chạy đua" học trước chương trình học lớp 1.