Chỉ sợ không hay

Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 08/09/2013

(HNM) - "Ngàn năm áo mũ" là công trình của một nhà nghiên cứu trẻ thế hệ 8X, ra mắt tháng 6 vừa qua, thu hút sự chú ý của truyền thông và giới nghiên cứu. Một tác phẩm được đánh giá là khá công phu, mở ra hướng tìm tòi mới hoặc bổ sung cho những khoảng trống thông tin về trang phục Việt.


Đã có sự băn khoăn rằng "Ngàn năm áo mũ" sẽ chịu chung số phận như nhiều cuốn sách thuộc diện "hàm lượng tri thức cao", không dễ đọc như tiểu thuyết "mỳ ăn liền", kiểu gì cũng chỉ ồn ào một chốc là im ắng, lượng phát hành khó vượt qua con số 1.000 bản. Như buổi ra mắt công trình nghiên cứu công phu của Phan Cẩm Thượng, giới nghề nghiệp, báo chí, cả bạn đọc hâm mộ đến đông không còn chỗ đứng nhưng cũng chỉ một buổi ra mắt thân tình thế thôi, còn ra đến thị trường, chìm lẫn giữa bao nhiêu thứ "ăn liền" khác thì đành chịu…

Ấy vậy mà "Ngàn năm áo mũ" lại khác. Ngay sau ngày ra mắt, khoảng 1.000 cuốn đã được bán hết. Lần tái bản thứ nhất cho ra thêm khoảng 800 cuốn, giờ cũng không còn bao nhiêu.

Không chỉ là vấn đề số lượng bán ra, trong khoảng hơn một tháng qua, "Ngàn năm áo mũ" xuất hiện trở lại trên truyền thông với một loạt hoạt động quảng bá. Đầu tiên là triển lãm tài liệu, hiện vật có liên quan đến tác phẩm, tới đây sẽ là buổi tọa đàm "Lịch sử trang phục Việt Nam qua Ngàn năm áo mũ" tại Hà Nội và sau đó lại là một cuộc trưng bày - giao lưu nữa về tác giả - tác phẩm này ở TP Hồ Chí Minh.

Được biết, đơn vị làm sách không chủ động kế hoạch truyền thông dài hơi như vậy. Bản thân cuốn sách đã tạo được độ vang nhất định trong giới văn nghệ, mà việc một đơn vị chủ động mời tác giả và đầu tư toàn bộ chi phí cho buổi giao lưu về "Ngàn năm áo mũ" ở TP Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Mới hay, với sách, chỉ sợ "đầu bếp" bưng ra mời thứ không thể nào nuốt nổi, chứ quảng bá tuyệt không có gì xấu, thậm chí là vô cùng cần thiết nếu là quảng bá cho một sản phẩm tốt.

Người lái đò